Kinh tế

Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Bảo Hân 18/01/2024 09:35

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, sáng 18-1, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

vht.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi các đại biểu biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu về một số quy định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng. Tiếp thu ý kiến đề nghị quy định người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân, dự thảo Luật đã quy định phạm vi người có liên quan đối với quỹ tín dụng nhân dân hẹp hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) khác.

Bên cạnh quy định việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng và một số quy định trong tổ chức, quản trị, điều hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin. Trong đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải thực hiện cung cấp thông tin, TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả phối hợp với bộ, ngành có liên quan, đồng thời có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm hạn chế cao nhất tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối TCTD.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm như TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

Về biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, tại Điều 154 của dự thảo Luật đã quy định việc công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp TCTD đang được kiểm soát đặc biệt. Do vậy, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu theo hướng quy định trường hợp số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn chênh lệch thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm chưa bao gồm số tiền dự phòng rủi ro đã tạm trích trong năm thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro bằng chênh lệch thu chi.

Trường hợp tổ chức tín dụng có lãi phải thu phải thoái, tổ chức tín dụng được phân bổ lãi phải thu phải thoái theo năng lực tài chính trên nguyên tắc tổng mức phân bổ lãi phải thu phải thoái và số tiền phải trích lập dự phòng bằng chênh lệnh thu chi từ kết quả kinh doanh hằng năm của tổ chức tín dụng. Thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái tối đa 5 năm kể từ ngày được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và chỉ áp dụng cho khoản phải thu phát sinh đến thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật này. Chính phủ quy định trường hợp tổ chức tín dụng có thời gian phân bổ lãi phải thu phải thoái lớn hơn 5 năm nhưng tối đa không quá 10 năm trong trường hợp cần thiết.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện Luật chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm và có giải pháp phù hợp để nắm rõ thực trạng tài chính của các TCTD này khi được áp dụng cơ chế hỗ trợ, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD.

bq.jpeg
Đa số các đại biểu biểu quyết nhất trí thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua gồm 15 chương, 210 điều.

Luật quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Riêng khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Điều 210 của Luật quy định cụ thể về các nội dung chuyển tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.