(HNMO) - Bộ Xây dựng vừa ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; trọng tâm là triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định.
Cụ thể, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nghiên cứu đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp.
Bộ Xây dựng cũng tập trung hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; bám sát thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản để bảo đảm phát triển ổn định, lành mạnh. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh; phấn đấu năm 2023 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 như sau:
Ưu tiên, tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng, trọng tâm là hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của ngành Xây dựng.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình; tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng.
Chú trọng phát triển vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023 gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân.
Tập trung thực hiện kế hoạch sắp xếp lại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.