(HNMO) - Sáng 15-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Dự phiên họp còn có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan.
Báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, ngày 20-4-2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 948-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa gồm 20 thành viên với nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tại 2 khu di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư các dự án trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Tính đến nay, trung tâm đã triển khai thực hiện 20 dự án tại hai địa chỉ trên bằng các nguồn vốn đầu tư xây dựng, sự nghiệp, chống xuống cấp và nguồn phí được để lại của đơn vị. Trong đó, có 13/20 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng và 7 dự án đang triển khai.
Về việc thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) về thống nhất quản lý di sản, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, phần lớn giá trị của di sản chưa được tiếp cận khi vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng liên quan đến khu đất do Bộ Quốc phòng đang quản lý tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Trạm xăng dầu tại đường Nguyễn Tri Phương; đất do cá nhân đang sử dụng.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng kiến nghị UBND thành phố cho phép sử dụng 5 công trình tại khu vực Trạm khách T66 (Bộ Quốc phòng) làm kho lưu giữ và bảo quản hiện vật. Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn gặp vướng mắc về thẩm quyền trình thẩm định đầu tư các dự án trong khu Hoàng thành Thăng Long.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố cho phép đơn vị xây dựng Đề án tăng mức thu phí, lệ phí tham quan và thu dịch vụ tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa trình HĐND thành phố xem xét; đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có chủ trương mở rộng và tăng thời lượng chương trình học tập ngoại khóa tại các nhà trường, gắn với việc tìm hiểu các di tích lịch sử của Thủ đô, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và phát huy giá trị di sản...
Phát biểu tại phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị cần tiếp tục làm rõ nhiệm vụ của các đồng chí cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo; mời thêm một số thành viên là lãnh đạo, chuyên gia thuộc các cơ quan trung ương... Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai các dự án của cả Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trong đó, tập trung vào phục dựng Điện Kính Thiên trên cơ sở, căn cứ khoa học; tạo sự đồng thuận, thống nhất về mặt nhận thức bằng tăng cường truyền thông về vấn đề này.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục rà soát lại thành phần Ban Chỉ đạo, trong đó, bổ sung Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Du lịch; mời lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, chuyên gia khoa học tham gia Ban Chỉ đạo. Đồng thời, phân công cụ thể nhiệm vụ, lĩnh vực của các thành viên Ban Chỉ đạo.
“Các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa phải được xây dựng chi tiết, cụ thể, làm sao để đưa các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó, các dự án phải có các thành phần ưu tiên, lộ trình kèm theo, đồng thời, truyền thông rộng rãi để tạo sự đồng thuận”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Đối với công tác bảo tồn, tôn tạo Hoàng thành Thăng Long, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu các dự án bảo tồn, phục dựng phải dựa trên nghiên cứu khoa học chặt chẽ, nhất là công tác khảo cổ, từ đó tạo sự đồng thuận trong các chuyên gia, nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.