Hà Nội kết nối

Tiếp tục hoàn thiện mô hình thành phố trong thành phố

Nhóm phóng viên 22/12/2023 - 18:11

Năm 2023 đánh dấu một bước tiến mới cho thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) trong việc dần hoàn thiện hành lang pháp lý để mô hình cấp hành chính mới nhất trên cả nước này sớm phát huy hiệu quả.

a752.jpeg
Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng trở thành một cực tăng trưởng mới của thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ.

Cực tăng trưởng mới

Thành phố Thủ Đức là mô hình thành phố trực thuộc thành phố đầu tiên trên cả nước, có diện tích tự nhiên lên đến 211,56 km2, dân số hơn 1 triệu người, được thành lập tháng 12-2020 và được kỳ vọng trở thành một cực tăng trưởng mới của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Nam Bộ nói chung.

Năm 2023, vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong hành lang pháp lý, khi thành phố Thủ Đức có quy mô như một tỉnh, nhưng lại phải hoạt động ngang cấp huyện, các cấp, ngành và người dân thành phố Thủ Đức đã thu được những thành quả đáng khích lệ.

a754.jpg
Nút giao An Khánh là một trong các dự án đầu tư công lớn trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Theo UBND thành phố Thủ Đức, năm 2023, thành phố ước thực hiện hơn 73.000 tỷ đồng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ, tăng 12,8% so với cùng kỳ và đạt 101% kế hoạch năm 2023. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,39% so với năm 2022 (ước đạt hơn 32.339 tỷ đồng, vượt hơn 100,9% kế hoạch). Thành phố dự kiến sẽ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch được giao...

Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng thông tin, sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 98, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc thành lập các đơn vị mới, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tên gọi và nhân sự các cơ quan, đơn vị. Cụ thể, đã thành lập Ban Đô thị (trực thuộc HĐND thành phố). Thí điểm thành lập 3 trung tâm (Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật). Thành lập 2 tổ chức hành chính mới (Phòng Giao thông công chính, Trung tâm Hành chính công).

a753.jpg
Cầu Long Đại thông xe sau 6 năm xây dựng, có lúc ngưng thi công do vướng mặt bằng.

Là một người dân sống tại phường Long Phước gần 50 năm qua, ông Trương Bá Tân, 75 tuổi, chia sẻ: "Hôm 19-12, cầu Long Đại đã khánh thành sau nhiều năm xây dựng dở dang. Nhiều trường học, công viên cũng đã được đưa vào sử dụng. Sắp tới, Thủ Đức có công viên bờ Đông sông Sài Gòn thuộc diện lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh; có cả đường sách… Tôi thấy nhiều thứ đang thay đổi nhanh theo hướng tốt đẹp”.

Tiếp tục hoàn thiện để phát huy hiệu quả

Theo UBND thành phố Thủ Đức, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển để có thể thực hiện kỳ vọng đóng góp 1/3 GRDP của thành phố Hồ Chí Minh, tương đương khoảng 7% GDP cả nước; đóng góp ngân sách gấp 44 lần bình quân cả nước trong thời gian tới.

a756.jpg
Trung tâm Hành chính công là mô hình tổ chức riêng, mới của thành phố Thủ Đức, nhưng mới có 18/37 cán bộ, nhân viên, nên còn bị quá tải.

Điển hình, Giám đốc Trung tâm Hành chính công thành phố Thủ Đức Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết, trung tâm ra đời theo cơ chế đặc thù của thành phố trong thành phố, thay cho mô hình đơn vị hành chính quận, huyện theo Luật Tổ chức chính quyền đô thị. Trên thực tế, người dân đã thuận lợi hơn nhiều khi đến trung tâm thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, do chưa có mô hình tổ chức cụ thể, trung tâm này mới đang chỉ có 18 nhân viên, thiếu khoảng 20 người so với khối lượng công việc thực tế, nên có lúc gặp quá tải.

Thạc sĩ Phạm Thị Hoàn, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Thủ Đức đề xuất: “Tổ chức bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức cần được trao quyền tự quản, tự chịu trách nhiệm vượt trội hẳn so với chính quyền đô thị cấp quận, huyện khác ở Việt Nam để phát huy hiệu quả”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Viễn (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh) vừa cùng các cộng sự thực hiện thành công nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức”. Trong đó, có nhiều đề xuất về thiết lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tương thích chặt chẽ cho quản lý chính quyền tại thành phố Thủ Đức.

Nhóm đã đề xuất với cấp có thẩm quyền lựa chọn và quyết định tổ chức chính quyền thành phố Thủ Đức phù hợp với mô hình đô thị đặc biệt - như mô hình Thị trưởng giúp tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý và điều hành của chính quyền, tăng cường sự tin tưởng của người dân vào chính quyền và giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng nhanh chóng với các thay đổi trong phát triển kinh tế - xã hội.

a767.jpg
Nhiều chuyên gia nhận định cần tiếp tục hoàn thiện mô hình thành phố trong thành phố để nhanh chóng phát huy hiệu quả mô hình này.

"Tuy nhiên, đi cùng với mô hình mới, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong quyết định và tạo ra cơ hội cho sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định. Điều này nhằm tránh tập trung vào một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ người, giới hạn sự đa dạng hóa trong việc ra quyết định", ông Nguyễn Tất Viễn nói.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng, dù đã có những cơ chế chính sách đặc thù, nhưng thành phố Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng vẫn đang triển khai cơ chế đó với bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp tương đồng như các địa phương khác trong cả nước, nên chưa thể nhanh chóng tạo sự khác biệt.

"Cần tính tiếp đến những yếu tố đặc thù như quy mô dân số, quy mô nền kinh tế, môi trường xã hội... để tiếp tục hoàn thiện và phát huy hiệu quả mô hình thành phố trong thành phố thời gian tới", ông Vũ Tuấn Hưng đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hoàn thiện mô hình thành phố trong thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.