(HNM) - Dự thảo đề án
Tuy mới chỉ là ý tưởng, song quyết định xây dựng "hương ước" cho Hà Nội của Sở VH, TT&DL đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân Thủ đô. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đề án mang tính đặc thù này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL Hà Nội.
- Thưa ông, trong bối cảnh ngày càng có thêm chuyện đau lòng về đạo đức, giá trị ảo xuất hiện ngày một nhiều, du khách đến Thủ đô bị lừa gạt, chặt chém, học sinh, sinh viên nói tục, chửi thề... hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh sẽ tập trung vào những đối tượng nào?
- Nếu làm như hệ thống hương ước, quy ước trước đây, chúng tôi cứ xây dựng rồi yêu cầu mọi người phải thực hiện, phải tuân thủ thì thật là gượng ép. Trong Đề án "Xây dựng hệ thống Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", chúng tôi cố gắng tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của người Hà Nội, đồng thời tìm cách điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống đương đại, làm sao để mọi người có thể tiếp nhận một cách thoải mái nhất. Trên tinh thần đó, chúng tôi dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử cho người Hà Nội, tập trung vào 7 đối tượng chính: Các cơ quan hành chính, doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị kinh doanh thương mại; ngành giáo dục, y tế (bao gồm những nội dung liên quan đến công tác khám, chữa bệnh và các mối quan hệ trong bệnh viện), các khu dân cư và khu vực công cộng.
Cơ quan hành chính là một trong bảy đối tượng chính được chọn trong đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Ảnh: Linh Ngọc |
Cách thức ứng xử nơi công cộng đã được đề cập trong các văn bản liên quan đến văn hóa giao thông, quy ước xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, nhưng khái niệm "nơi công cộng" trong dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử cho người Hà Nội bao gồm cả khu vực công viên, bến tàu, bến xe…
- Với phạm vi điều chỉnh rộng như vậy, theo ông, hệ thống quy tắc ứng xử có phải là giải pháp hiệu quả cho việc thanh lọc những "hạt sạn" trong đời sống văn hóa của người Hà Nội hiện nay?
- Tôi nghĩ rằng không chỉ có người Hà Nội, ai trong thế giới này cũng mong muốn mình được sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa lành mạnh. Vì thế, tự thân mỗi người đã có ý thức về lời nói, hành vi, cách thức ứng xử sao cho phù hợp với môi trường xung quanh. Chẳng hạn như người Hàn Quốc, Nhật Bản gặp nhau là cúi chào, dù có quy tắc nào bắt buộc họ phải ứng xử như thế đâu! Vì vậy, với người Hà Nội, trong hệ thống quy tắc ứng xử, chúng tôi cố gắng đưa ra những tiêu chí được số đông đánh giá là chuẩn mực, và tích cực tuyên truyền, vận động để các chuẩn mực ấy dần dần ăn sâu vào nếp nghĩ, chuyển thành hành động của nhân dân. Về văn hóa, muốn tạo ra sự thay đổi, chuyển biến căn bản, có khi phải mất cả thế hệ nên chúng tôi hy vọng hệ thống quy tắc này là "ranh giới" để mọi người biết được cái gì nên làm, cái gì không nên làm, từ đó dần điều chỉnh hành vi cho phù hợp chứ đây không phải là "giải pháp của mọi giải pháp" nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cũng không phải "cây đũa thần" có thể giúp loại bỏ hành vi xấu ngay lập tức.
Đối với những hiện tượng đang gây bức xúc trong xã hội, để giải quyết tận gốc vấn đề thật không đơn giản.
- Nhiều ý kiến cho rằng lượng hóa cụ thể cung cách ứng xử thường thấy trong xã hội là rất khó. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đúng vậy, văn hóa nói chung, ứng xử nói riêng là vấn đề rất khó định lượng. Tuy nhiên, trong dự thảo đề án "Xây dựng hệ thống Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", chúng tôi cố gắng lượng hóa các vấn đề văn hóa mà không khô cứng, lượng hóa để mọi người có thể chấp nhận được và làm theo. Nếu không lượng hóa, tôi nghĩ đề án sẽ lại rơi vào những quy định cứng nhắc hoặc mang tính ước lệ, chung chung, khó có tính thuyết phục.
Thanh lịch, văn minh - Nét văn hóa của người Hà Nội đang được gìn giữ và phát huy. Ảnh: Giang Sơn |
- Ông có thể cho biết khi nào thì Đề án "Xây dựng hệ thống Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" được hoàn thiện, đi vào đời sống?
- Như trên đã nói, chúng tôi cần thời gian và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trên thực tế, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo nhằm xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để xác định rõ đối tượng, phạm vi và những quy tắc cơ bản của đề án. Dự kiến trong thời gian tới, bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi sẽ xin ý kiến đóng góp của từng nhóm đối tượng, sau đó tổ chức hội thảo tổng thể để hoàn thiện đề án. Tôi khẳng định rằng, quy tắc nào nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của đa số tầng lớp nhân dân thì mới được đưa vào hệ thống quy tắc ứng xử.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.