Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp thu, chắt lọc ý kiến đóng góp để hoàn thiện sách giáo khoa

Mai Hữu| 04/11/2020 11:35

(HNMO) - Sáng 4-11, liên quan đến ý kiến còn khác nhau của các đại biểu Quốc hội về nội dung sách giáo khoa lớp 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Trước đó, khi phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho biết, là năm đầu tiên ngành Giáo dục áp dụng bộ sách giáo khoa mới theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng yêu cầu cao nên chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ. Theo đại biểu, cả 5 bộ sách đều có một số lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền và ngữ liệu.

“Lỗi trong sách giáo khoa chỉ có đúng hoặc sai, chứ không có lỗi không phù hợp. Điều này càng bộc lộ rõ về quy trình thẩm định, phát hành sách còn lỏng lẻo”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói. Chia sẻ những trăn trở của các đại biểu về sách giáo khoa lớp 1 là hoàn toàn có cơ sở, đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, việc đổi mới chương trình sách giáo dục phổ thông là việc lớn và khó. Đại biểu đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định quốc gia đã tiếp thu ý kiến của cử tri và có giải trình trước Quốc hội. Tuy nhiên, việc đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang phải chuyển đổi mạnh mẽ từ truyền đạt kiến thức một chiều sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Việc dạy theo chủ đề giúp học sinh có nhiều cách nhìn nhận, góc tiếp cận khác nhau, trình độ của các em cũng khác nhau... Trong khi đó, việc bồi dưỡng giáo viên, học sinh gặp áp lực lớn khi có tới 6 tháng học sinh nghỉ ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19 và có quá ít thời gian chuẩn bị.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh).

Phát biểu tại hội trường Quốc hội về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, việc ai chịu trách nhiệm về sách giáo khoa, từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng và quy trình thẩm định đến việc phê duyệt sách, đều được quy định trong luật, trong đó trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất rõ.

Tuy nhiên, cũng như các vấn đề giáo dục khác, mặc dù không thuộc thẩm quyền trực tiếp nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Nhiều cuộc thảo luận gần đây đều đề cập vấn đề sách giáo khoa, đồng thời, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, nhiều cuộc trao đổi riêng với các thầy, cô giáo...

Về một số sai sót trong bộ sách giáo khoa lớp 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sai đến đâu, sai ở mức độ nào thì phải do cơ quan chuyên môn đánh giá. Bộ sách giáo khoa được biên soạn của nhóm Cánh Diều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt là có lỗi, có “sạn”, có sai sót. Lỗi này cần được tiếp thu cầu thị, khoa học, có những việc liên quan đến chuyên môn dạy ngôn ngữ cho trẻ bước đầu đi học thì phải có trao đổi cởi mở, cầu thị.

“Thủ tướng và cá nhân tôi đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo với tinh thần như vậy. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Thủ tướng và nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc cá nhân Bộ trưởng, đồng thời đã có những bước chỉ đạo kiên quyết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin thêm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý những sai sót, đồng thời rút kinh nghiệm nghiêm túc, để quy trình biên soạn sách lớp 2, lớp 6 và các năm tiếp theo không tái diễn tình trạng vừa qua.

Phó Thủ tướng khẳng định, dù có một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng phải ít nhất bằng hoặc tốt hơn bộ sách trước. Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể hoàn thành nhiệm vụ này nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và toàn thể nhân dân.

“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa bản thảo các bộ sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt để mọi người dân góp ý, qua đó tiếp thu chắt lọc ý kiến đúng và giải thích những ý kiến chưa đúng để tạo đồng thuận trong toàn xã hội, vì tương lai của đất nước, của con cháu chúng ta”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp thu, chắt lọc ý kiến đóng góp để hoàn thiện sách giáo khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.