Chính trị

Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI

Vũ Thủy - Ảnh: Viết Thành 05/12/2023 09:00

Sáng 5-12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc kỳ họp thứ mười bốn - kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố.

Dự kỳ họp về phía Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

h1.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự kỳ họp.
h2.jpg
Quang cảnh kỳ họp.

Xem xét 29 báo cáo và thông qua 35 nghị quyết

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố sẽ xem xét 29 báo cáo và thông qua 35 nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, HĐND thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2023 và quyết nghị kế hoạch năm 2024 của thành phố; xem xét, cho ý kiến, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy….

Về hoạt động giám sát của HĐND thành phố, kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố.

Thường trực HĐND thành phố cũng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả chương trình giám sát năm 2023 về thực hiện kế hoạch đầu tư công và tiến độ các công trình trọng điểm; trình HĐND thành phố quyết định tổ chức 2 Đoàn giám sát của HĐND thành phố theo chương trình giám sát năm 2024.

HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn; dự kiến 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn kết quả thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND thành phố đã đến thời hạn nhưng tiến độ còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn về nhóm vấn đề giao thông đô thị của thành phố.

“Đây là những nội dung, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết, liên quan đến phát triển Thủ đô và đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân dân, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND thành phố. Đây cũng là hoạt động giám sát nhằm tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả giám sát theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

h3.jpg
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, tại kỳ họp này, tiến hành hoạt động giám sát quan trọng là thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo Quy định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành Kế hoạch và triển khai các bước đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu HĐND thành phố; qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tiễn theo dõi, giám sát, đề nghị các vị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, đánh giá công tâm, khách quan, chính xác trong ghi phiếu đối với các chức danh do HĐND thành phố bầu theo quy định.

Tiếp tục phương châm lan tỏa không khí đổi mới, thiết thực, hiệu quả, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, sâu sắc, góp phần vào sự thành công của kỳ họp”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu.

Cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát của năm 2023

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

hn09.jpg
Quang cảnh kỳ họp.

Ước cả năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng trên 5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022 (trong đó, thu nội địa năm 2023 ước đạt 373,1 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 93,18%).

Ngoài ra, vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; lượng khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội dự kiến đạt 24 triệu lượt khách (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế), vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra (CPI bình quân 11 tháng tăng 1,8%).

hn06.jpg
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, những thành quả đạt được nêu trên là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy; việc cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách của HĐND thành phố; sự điều hành, quản lý, triển khai của UBND thành phố; sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và sự đóng góp, ủng hộ của cử tri và nhân dân Thủ đô.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn một số chỉ tiêu chưa đạt; kinh tế tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra... Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt xảy ra cục bộ tại một số quận, huyện; kỷ luật, kỷ cương đã được tăng cường nhưng có nơi, có lúc còn chưa nghiêm... Một số khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Vì thế, tại kỳ họp này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, ngoài các nội dung đã được đề cập cụ thể trong các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, HĐND thành phố sẽ thảo luận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và đầu tư công năm 2023 của thành phố; đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân để thảo luận kỹ lưỡng; từ đó phân tích, đặc biệt là dự báo và lượng hóa đầy đủ các yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2024 đảm bảo sát với thực tiễn, có tính đột phá, tính hiệu quả, tính khoa học và tính khả thi cao. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng lựa chọn những nhiệm vụ, đề án, dự án có trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024.

Đối với các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị, HĐND thành phố đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, nguồn lực về khoa học và công nghệ, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức

d.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao hoạt động của HĐND và các đại biểu HĐND các cấp thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới, hoạt động ngày càng đi vào thực chất, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Khắc Định đề nghị HĐND thành phố cần tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố.

HĐND thành phố cần tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế kịp thời cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu…

Về việc tại kỳ họp này, HĐND thành phố tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND thành phố bầu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

ld.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội dự kỳ họp.

Sáng cùng ngày, các đại biểu HĐND thành phố đã nghe Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày tóm tắt các báo cáo về: Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của thành phố Hà Nội; công tác chỉ đạo điều hành của UBND thành phố năm 2023; phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà trình bày tóm tắt báo cáo hoạt động của HĐND thành phố năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương trình bày tóm tắt thông báo về công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và những kiến nghị với HĐND và UBND thành phố; Chánh án Tòa án nhân dân thành phố trình bày tóm tắt báo cáo công tác xét xử năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố trình bày tóm tắt báo cáo công tác kiểm sát năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố thay mặt các Ban của HĐND thành phố trình bày tóm tắt Báo cáo tổng hợp thẩm tra chung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ mười bốn, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.