Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức cho người lao động

Nhóm phóng viên| 17/02/2022 06:13

(HNM) - Chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều lao động làm việc tại các ngành, nghề như: Du lịch, vận tải, dịch vụ… bị mất việc hoặc sụt giảm thu nhập, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để tiếp sức cho người lao động, sau các gói hỗ trợ đã được thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ thông qua để triển khai gói hỗ trợ việc làm và bảo đảm an sinh xã hội như: Hỗ trợ tiền thuê trọ, cho vay ưu đãi để thuê, mua nhà...

Một buổi phỏng vấn trực tuyến ứng viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Nhiều lao động bị ảnh hưởng

Có thể thấy, một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay là lao động làm việc trong ngành Du lịch. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, chị Võ Thị Huyền, nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và du lịch Phương Nam (quận Ba Đình) cho biết, 2 năm qua, hoạt động của công ty hoàn toàn ngưng trệ. Nhiều lao động đã bỏ nghề để chuyển sang một ngành nghề khác nhằm bảo đảm cuộc sống. “Bên cạnh việc được hưởng tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi còn được nhận hỗ trợ từ Chính phủ, thành phố Hà Nội. Đây là nguồn động viên, tiếp sức kịp thời giúp cuộc sống của chúng tôi vơi bớt khó khăn...”, chị Võ Thị Huyền chia sẻ.

Dù từ tháng 10-2021 đến nay, các công ty, nhà máy đã hoạt động sản xuất trở lại, kinh tế dần phục hồi nhưng nhiều lao động ngành Giao thông - Vận tải hay dịch vụ vẫn gặp khó khăn do doanh nghiệp bị hạn chế hoạt động hoặc chưa thể hoạt động trở lại. Anh Nguyễn Văn Toàn (ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) làm nghề xe ôm công nghệ cho biết, sau hơn 8 tháng nghỉ việc để phòng, chống dịch, cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn vì không có thu nhập, buộc anh phải chuyển sang làm công nhân xây dựng với mức lương thấp. Sau khi hết giãn cách, anh quay lại nghề lái xe công nghệ nhưng do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên công việc vẫn ít hơn so với trước.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Anh (quê ở Thanh Hóa), công nhân của Công ty CP Hanel Xốp Nhựa (Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 3-4 tháng liên tiếp lương công nhân bị cắt giảm còn 1/2 nên cuộc sống chật vật hơn. 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động làm việc tại nhiều doanh nghiệp, khiến thu nhập giảm sâu, nhiều người mất việc, giãn việc… Trong năm 2021, số lao động làm hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn là trên 63.000 người. 

Việc hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ giúp giảm bớt khó khăn cho công nhân Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (huyện Thường Tín) để yên tâm sản xuất. Ảnh: Nguyễn Quang

Cần thêm sự hỗ trợ 

Được biết, trong 2 năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ kịp thời cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều lao động được nhận tiền hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp… Các khoản hỗ trợ này đã giúp người lao động phần nào trang trải chi phí hằng ngày.

Bên cạnh những hỗ trợ trên, bước vào giai đoạn phục hồi, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để tiếp sức cho người lao động, hiện Bộ đang khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ thông qua để triển khai trong tháng 2-2022 gói hỗ trợ việc làm và bảo đảm an sinh xã hội thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ. Trong đó, người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đào tạo nghề… Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà (mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng) và lao động quay trở lại thị trường lao động (mức hỗ trợ 1 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng). Bên cạnh đó, Bộ tăng cường kết nối cung cầu lao động toàn quốc, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm… 

Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu, thuộc Cụm Công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín) Nguyễn Xuân Huy cho biết, người lao động rất phấn khởi khi biết thời gian tới sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ. Ngoài ra, phía công ty cũng được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ về miễn giảm thuế, lãi suất… Đây là sự quan tâm kịp thời, giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng mong muốn, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm được thực thi, có hướng dẫn cụ thể, bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết và giao cho doanh nghiệp chủ động triển khai, chịu trách nhiệm như đã thực hiện với những gói hỗ trợ trước đó.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), gói hỗ trợ lớn của Chính phủ sẽ có tác động lan tỏa nhanh và hiệu quả trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. Do vậy, việc triển khai nhanh, sớm, kịp thời sẽ giúp thị trường lao động sớm phục hồi, tạo tiền đề cho phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.