Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức hằng năm từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 với nhiều phương cách truyền thông để góp phần nâng cao nhận thức về giới. Trong đó, nhiều trang sách cũng cất tiếng nói của mình, đặc biệt về những “vấn đề không tên” của phụ nữ.
Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Mới đây NXB Phụ nữ đã cho ra mắt cuốn sách “Đi về phía bình yên - câu chuyện của chị em bị bạo lực, xâm hại và mua bán người”. Cuốn sách viết về 12 nhân vật - là 12 trong số 1.665 mảnh đời đã đến với Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) trong suốt 16 năm qua. Họ được chọn để viết, không phải vì trường hợp của họ đặc biệt, bởi thực tế 1.665 số phận đều “đặc biệt” theo cách khác nhau, mà vì chính họ đã chọn nói ra câu chuyện đời mình với mong muốn lan tỏa niềm tin và hy vọng cho những người phụ nữ khác: Rằng cuộc đời vẫn còn nhiều điều tốt đẹp. Và chúng ta luôn có quyền được sống thật hạnh phúc.
Khi nhận thức về giới ngày càng nâng cao, người ta quan tâm nhiều hơn đến bạo lực tinh thần cũng như vấn đề bất bình đẳng giới tồn tại trong gia đình và xã hội. Tập truyện ngắn “Nắng ngoài ô cửa sổ” của nhà văn Trần Ngọc Mỹ cho thấy những số phận phụ nữ Việt Nam ở thời hiện đại vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng từ tư duy phong kiến trọng nam khinh nữ với những áp đặt về “phận làm vợ”, “phận làm con dâu”.
Trong khi đó, tập truyện ngắn “Con chim nhỏ gắp cọng cỏ rơm vàng” của nữ nhà văn Trần Huyền Trang lại vướng níu tâm tư người đọc khi những người phụ nữ trong tác phẩm của chị “đơn thân ngay cả khi không đơn thân, tủi phận ngay cả khi ngỡ là hạnh phúc”. Với thiên chức làm vợ và làm mẹ, quá nhiều khi người phụ nữ phải gánh những trĩu nặng cuộc đời bằng sự chịu đựng, nhẫn nại, hy sinh. Những đức tính thường được hiểu một cách khuôn mẫu và gắn chặt với người phụ nữ nhiều khi trở thành gông kìm khiến họ không dám sống và không thể sống như bản thân mong muốn. Họ “như sông sâu, ngoài mặt thật yên bình phẳng lặng nhưng những cơn xoáy dưới đáy không bao giờ ngơi nghỉ”.
Nhà nữ quyền Betty Friedan, trong cuốn sách “Bí ẩn nữ tính” xuất bản năm 1963, đã cho thấy nguyên nhân sự thất vọng của phụ nữ hiện đại trong vai trò truyền thống là bởi thực trạng “phụ nữ bị bán đi trí tuệ và tham vọng của mình bằng cái giá nhỏ mọn của một chiếc máy giặt mới”. Bí ẩn nữ tính là gì, có phải là người phụ nữ có thể tìm thấy sự thỏa mãn trong việc làm bà nội trợ, kết hôn, thụ động tình dục và xem việc chăm sóc chồng con là thiên chức và bổn phận của riêng mình? Hay một người phụ nữ “thực sự nữ tính” sẽ không có mong muốn được học cao hơn, có nghề nghiệp hoặc tiếng nói chính trị? Thực tế, tác giả Betty Friedan cho rằng nhiều bà nội trợ không hài lòng với cuộc sống của họ nhưng lại khó nói rõ cảm xúc của mình. Những “vấn đề không tên” khiến phụ nữ cảm thấy bị bó buộc, không hài lòng và không hạnh phúc trong vai trò làm vợ, làm mẹ và nội trợ.
“Hôm nay một người đàn bà hóa điên trong siêu thị” của nữ văn sĩ Hilma Wolitzer cũng là một câu chuyện về bà nội trợ thấm thía biết bao nghịch lý và góc khuất của cuộc sống hôn nhân gia đình. Tác phẩm mổ xẻ rõ hơn về những “vấn đề không tên” trong cuộc sống của người phụ nữ, về những điều có thể được gọi là “bạo lực của cái hằng ngày” vẫn tiếp diễn. Nhà văn tập trung khắc họa các hoạt động căn bản nhất của đời sống hằng ngày, từ đó phơi bày tính chất bạo lực của nó đối với người nữ một cách vừa trực diện vừa tinh tế qua lát cắt của “Những bức ảnh”, “Những cơ thể”, “Mẹ”, “Đêm đêm”, “Mong bố”, “Hôm nay một người đàn bà hóa điên trong siêu thị”... Bà cho rằng “những gì diễn ra trong buồng ngủ và nhà bếp cũng quan trọng như trong phòng họp hay nghị viện” và những người phụ nữ dù làm công việc gì đi nữa thì nữ giới cũng như nam giới, “mọi cuộc đời đều phi thường”.
Theo Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, dịch giả của cuốn sách chuyên khảo "Nữ quyền cho tất cả mọi người", “hằng ngày” ngay từ đầu không phải là đối tượng miêu tả của văn chương mà phải vào thế kỷ XIX, khi văn học hiện thực “lên ngôi”, người ta mới bắt đầu quan tâm đến cái “hằng ngày” trong cuộc sống và sinh hoạt của con người. “Bạo lực của cái hằng ngày” diễn ra một cách trơn tru, tự nhiên đến mức nó trở thành quen thuộc bình thường và người ta cứ đương nhiên chịu đựng vì cho rằng đó là những điều nhỏ nhặt, không đáng kể. Nhưng chính những vấn đề nhỏ nhặt, không đáng kể lại diễn ra ngày ngày ấy dễ khiến người ta mỏi mệt, rồi cảm thấy bị cô độc, bị bỏ rơi, cảm thấy bế tắc và bất lực, thậm chí cuối cùng coi mình từ nạn nhân trở thành nguyên nhân của bất hạnh.
Như người phụ nữ trong truyện ngắn “Cái răng” trong tập “Người tình ác quỷ” của nữ nhà văn Shirley Jackson, trong trạng thái lơ mơ của thuốc tê khi nhổ một chiếc răng sâu, cô bỗng nhận ra chỉ có cái răng chụp X-quang là được “đánh dấu”, còn bản thân mình gần như vô danh giữa cuộc đời này. Còn nhà văn Phạm Thị Ngọc Liên, trong tập tản văn và một vài truyện ngắn mang tên “Những bà già xinh đẹp”, đã viết về những người phụ nữ rất thành đạt về mặt sự nghiệp, rất nhiều nam tính trong cách giao tiếp và cư xử trong xã hội được gọi là “nữ cường nhân”. Nhưng, “mặt trái của tấm huy chương luôn sần sùi, không bóng loáng như bề mặt của nó. Cho nên, vẫn có rất nhiều phụ nữ cô đơn đi trên chính chiếc thảm hoa của mình”.
Viết về những vấn đề không tên nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường của người phụ nữ, cũng là cất thêm một tiếng nói về bình đẳng giới, về nữ quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.