Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến độ giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Không vướng cơ chế, vẫn chậm!

Việt Tuấn| 28/07/2015 06:02

(HNM) - TP Hà Nội xác định công tác giao đất dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp.


UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, giải quyết cơ bản những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư... Tuy nhiên, theo khảo sát, sau hơn 5 năm triển khai công tác này, tiến độ giao đất dịch vụ vẫn rất chậm.

Vì sao chậm tiến độ?

Công tác giao đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất trên địa bàn kể từ sau khi Hà Nội mở rộng (từ ngày 1-8-2008) được UBND thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, những vướng mắc liên quan đến công tác giao đất dịch vụ của UBND các quận, huyện, thị xã cơ bản đã được tháo gỡ.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường về nhu cầu giao đất dịch vụ, tổng số dự án thu hồi đất nông nghiệp thuộc đối tượng giao đất dịch vụ trên địa bàn là 590 dự án; diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 7.518ha; diện tích đất dịch vụ cần là 808,87ha; số hộ thuộc tiêu chuẩn giao đất dịch vụ là 80.398 hộ.

Tính đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã đã giới thiệu địa điểm khu đất quy hoạch đất dịch vụ cơ bản đã đủ 808,87ha; xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ 381,27ha, trong đó đã giao 139,39ha cho 22.411 hộ (bao gồm diện tích 10,3ha đất huyện Mê Linh đã thực hiện trả bằng tiền cho 4.430 hộ). Một số quận, huyện, thị xã như Hoàng Mai, Thường Tín, Đan Phượng, Sơn Tây, Hà Đông có kết quả giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình đạt khá cao.

Tuy nhiên, về cơ bản tiến độ giao đất dịch vụ ở một số địa bàn vẫn gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, quy định về chính sách, đối tượng, hạn mức, phạm vi, thời điểm áp dụng cho các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp (thuộc diện được hưởng đất dịch vụ) ở tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tây cũ và TP Hà Nội khác nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác theo dõi, cập nhật, rà soát, thống kê, xét duyệt đối tượng, tổ chức thực hiện dự án đối với chính sách mới ban hành.

Nhiều diện tích đất dịch vụ ở quận Hà Đông đã xây dựng xong phần hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa được giao đến hộ dân. Ảnh: Linh Ngọc


Quy định về đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cũng có nhiều thay đổi, một số hộ dân chưa đồng thuận... Ngoài ra, quy hoạch chung TP Hà Nội có sự thay đổi trên diện rộng, dẫn đến nhiều dự án trên địa bàn phải tạm dừng, chờ để rà soát, điều chỉnh. Hoài Đức là đơn vị điển hình cho việc chồng lấn này. Cụ thể, 17 khu đất dịch vụ trên địa bàn huyện bị chồng lấn một số dự án đất dịch vụ thuộc các xã Di Trạch, Vân Canh, La Phù, An Khánh, Lại Yên… làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị quỹ đất và kinh phí thực hiện các dự án đất dịch vụ.

Một nguyên nhân nữa làm chậm tiến độ giao đất là kinh phí để triển khai thực hiện các dự án đất dịch vụ (bồi thường, hỗ trợ GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật), ngân sách cấp huyện không đủ cân đối, trong khi thị trường bất động sản trầm lắng, việc đấu giá đất gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn của doanh nghiệp ứng trước còn thiếu, nguồn huy động ứng trước tiền hạ tầng chưa có sự đồng thuận cao từ phía người dân... Quận Hà Đông là địa phương tích cực giao đất dịch vụ và đã giao được khoảng 50%. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương, quận đã ứng vốn xây dựng hạ tầng, nhưng thu lại của người dân rất chậm, dẫn đến thiếu vốn để đầu tư hạ tầng những khu đất dịch vụ tiếp theo.

Cơ chế và quyết tâm

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông, do đây là chính sách tồn tại, trong quá trình triển khai có nhiều bất cập, nên không thể giải quyết "một sớm, một chiều". Để sớm hoàn thành chỉ tiêu, chính quyền cơ sở phải tập trung cao độ, xây dựng kế hoạch giao đất theo từng tháng, từng dự án cụ thể và báo cáo cấp ủy để thống nhất chỉ đạo. Trước mắt, đối với 400,7ha đã hoàn thành xong hạ tầng kỹ thuật, được xét duyệt đối tượng, các địa phương cần giao đất ngay cho dân.

Đối với các dự án đã GPMB, nhưng chưa đủ kinh phí xây dựng hạ tầng, các quận, huyện cần tổ chức lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận để người dân cùng ứng kinh phí với ngân sách, triển khai xây dựng hạ tầng. Đối với quỹ đất chưa bố trí đủ kinh phí GPMB, xây dựng hạ tầng, các quận, huyện cần hoàn thiện hồ sơ vay vốn (Quỹ Phát triển đất thành phố được bố trí nguồn 500 tỷ đồng) và tổ chức GPMB theo hình thức cuốn chiếu, thực hiện dứt điểm tới từng dự án.

Về các đơn vị đang thiếu quỹ đất dịch vụ như Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh, Chương Mỹ, Thạch Thất… Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho rằng, các quận, huyện cần tổ chức rà soát quỹ đất đấu giá, tái định cư còn lại, quỹ đất thương phẩm các dự án sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, quỹ đất nhỏ lẻ xen kẹt trong khu dân cư, từ đó đề xuất địa điểm để ưu tiên bố trí giao đất dịch vụ.

Quyết tâm hoàn thành giao đất dịch vụ cho các hộ dân trong năm 2015, UBND thành phố đã đồng ý thành lập Tổ công tác liên ngành của thành phố (do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì với sự tham gia của các sở, ngành như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Chỉ đạo GPMB…) để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các quận, huyện trong quá trình tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức giao đất đến hộ dân... UBND thành phố sẽ chỉ đạo thanh tra trách nhiệm công vụ đối với những địa phương thực hiện không nghiêm túc, để tồn đọng, kéo dài, chậm tiến độ.

Như vậy, cơ chế, chính sách giao đất dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội đã rõ, vấn đề là sự quyết tâm của các cấp, ngành. Với những đơn vị còn thiếu quỹ đất dịch vụ, trên cơ sở quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới, UBND cấp huyện cần khẩn trương rà soát, đề xuất vị trí đất dịch vụ, thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc báo cáo UBND thành phố chấp thuận và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

UBND các quận, huyện cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, quy định của thành phố về thực hiện giao đất dịch vụ, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện giao đất dịch vụ. Các đơn vị cũng cần vận động các hộ dân tự nguyện nhận tiền thay bằng giao đất dịch vụ đối với các địa phương thiếu quỹ đất.

Qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố tại các quận, huyện, đến nay thành phố mới tổ chức xét duyệt và giao được 17.981 hộ, đạt 23,73%. Tính đến ngày 30-4-2015, trên địa bàn thành phố còn 669,48ha đất dịch vụ chưa được giao cho các hộ dân, trong đó đáng chú ý là 241,88ha đất dịch vụ đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật nhưng chính quyền quận, huyện chưa giao đến hộ dân (tập trung ở quận Hà Đông và các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất, Mê Linh…).

Ngoài ra, 122,09ha đất dịch vụ đã GPMB nhưng chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 129,10ha đã có quyết định thu hồi đất, mới trong giai đoạn thực hiện GPMB; 172,59ha đất dịch vụ mới có thông tin quy hoạch và UBND cấp huyện đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư; 1,68ha đất dịch vụ còn thiếu chưa giới thiệu được địa điểm. Thực tế, Thanh Trì, Quốc Oai, Đông Anh, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Ba Vì chưa thực hiện được việc giao đất dịch vụ đến hộ dân; Mỹ Đức, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Oai, Hoài Đức, Thạch Thất đã giao đất dịch vụ, nhưng số lượng rất thấp.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến độ giao đất dịch vụ tại Hà Nội: Không vướng cơ chế, vẫn chậm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.