(HNM) - Kế hoạch tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 của TP Hà Nội phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25-9-2012, cũng như Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 của Chính phủ, được phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20-3-2014.
Nhìn tổng thể, kế hoạch này hướng đến một quá trình phát triển có sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố mang tính trụ cột của sự phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, không làm phương hại đến cơ hội và khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển của các thế hệ sau.
Với tám chỉ tiêu lớn được đề ra cho giai đoạn đến năm 2020 cùng ba nhiệm vụ trọng tâm và chín nhóm giải pháp chủ yếu, Kế hoạch số 94/KH-UBND, ngày 4-6-2013 của UBND TP Hà Nội “Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” không chỉ thể hiện quyết tâm tạo ra môi trường phát triển bền vững của TP Hà Nội, mà còn có ý nghĩa định hướng hành động cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn, bảo đảm thực hiện mục tiêu lớn là xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, “xanh, sạch, đẹp”.
Có thể nói, Kế hoạch số 94/KH-UB liên quan đến hoạt động của các ngành và địa phương, đến mọi mặt hoạt động của đời sống. Chẳng hạn, để thực hiện mục tiêu đề ra, cần phải tính đến các giải pháp về sử dụng tài nguyên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, phát triển công - nông nghiệp xanh, “xanh hóa” lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới - thân thiện với môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh… Đánh giá đúng và khẳng định tầm quan trọng của kế hoạch có ý nghĩa “vạch đường đến tương lai” này, cũng có nghĩa xác định trách nhiệm tham gia thực hiện của tất cả các cấp, ngành, địa phương cũng như toàn thể nhân dân.
Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều phần việc thiết thực như lập đề án giải quyết vấn đề ô nhiễm làng nghề, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất công nghiệp, đầu tư lớn để giải bài toán nước thải - rác thải và vệ sinh môi trường, tăng cường ứng dụng khoa học để phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng khu công nghệ cao, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu… Tuy vậy, so với mục tiêu đề ra về tăng trưởng xanh nói chung, thực tế cho thấy chúng ta mới chỉ đi được một đoạn ngắn trên “đường đến tương lai”, hiệu quả còn hạn chế.
Để tiến bước nhanh hơn trên con đường phát triển bền vững và thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh một cách hiệu quả, cần có giải pháp triển khai đồng bộ các phần việc liên quan, trong đó, điều quan trọng là nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò, trách nhiệm tham gia xây dựng “lối sống xanh”, “doanh nghiệp xanh”, “sản xuất sạch”. Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền về lợi ích, sự cần thiết cũng như nội dung, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực, để mỗi cá nhân, tổ chức hành động thiết thực, đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu chung. Để hỗ trợ cộng đồng thể hiện trách nhiệm của mình, cần tổ chức thường xuyên những chương trình hành động cụ thể về bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường làng nghề, ủng hộ sản phẩm “xanh”, sử dụng năng lượng thông minh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.