Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến bộ, văn minh không có nghĩa là gạt bỏ các giá trị văn hóa

Quỳnh Dương| 02/01/2020 15:42

(HNMCT) - Cũng từng có Tết âm lịch như nhiều quốc gia châu Á khác, song với lý do ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế, Nhật Bản đã từ bỏ nét văn hóa cổ truyền này để đón năm mới cùng các quốc gia phương Tây. Sự đánh đổi này đã để lại không ít tiếc nuối và giờ đây ngày càng có nhiều người Nhật Bản mong muốn Tết truyền thống năm xưa mà họ đã từ bỏ quay trở lại.

Không khí đón Tết cổ truyền tại Singapore.

Do ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản cũng sử dụng lịch âm. Trong khoảng thời gian từ năm 1844 đến 1872, người Nhật vẫn ăn Tết theo lịch Thiên Bảo. Nhưng đến ngày 3-2-1872, tức năm Minh Trị thứ 5, Nhật Bản chính thức xóa sổ Tết Âm lịch, quyết định đón năm mới theo lịch của người châu Âu - tức ngày 1-1 hằng năm theo lịch dương. Nhiều phân tích về xã hội Nhật Bản thời kỳ đó cho rằng, quyết tâm bỏ văn hóa cũ để đến với văn minh phương Tây xuất phát từ quan điểm “thoát Á luận”, ám chỉ văn hóa Á Đông lạc hậu.

Cùng thời điểm đó, cuối thế kỷ XIX cũng là giai đoạn thịnh hành quan điểm “vị châu Âu”. Theo một số nhà nghiên cứu, văn minh châu Âu là trung tâm và chuẩn mực để mọi dân tộc phấn đấu phát triển. Nhật Bản là một trường hợp như vậy. Vì vậy, việc thay đổi lịch truyền thống sang dương lịch, thay đổi thời gian đón Tết cổ truyền sang Tết Dương lịch là cách để Nhật Bản giống phương Tây. Lý do thứ hai liên quan tới vấn đề kinh tế. Thay đổi lịch đã giúp chính phủ không phải trả khoản lương tháng thứ 13 cho công chức. Đón Tết theo lịch mới còn giúp giảm được số ngày nghỉ, tăng sản lượng lao động quốc gia.

Và sau khi chính thức bỏ Tết cổ truyền, "xứ Mặt trời mọc” đã có cú chuyển mình khiến cả thế giới nể phục cho đến tận hôm nay. Tất nhiên, việc thay đổi truyền thống này chỉ là một phần của sự phát triển, nhưng đây quả thật là một dấu mốc lớn trong lịch sử của Nhật Bản.

Tuy nhiên, không còn Tết truyền thống đồng nghĩa với việc người Nhật Bản đã tự làm mất đi một nét văn hóa không dễ gì có được. Không phải đến tận bây giờ, khi nhìn thấy các nước châu Á tưng bừng đón cái Tết cổ truyền, người dân Nhật Bản mới nhận ra điều đó. Mặc dù, vào dịp năm mới theo lịch dương, nhiều người trung niên và cao tuổi vẫn cố gắng lưu giữ các hoạt động truyền thống trong ngày tết cổ xưa song không còn Tết cổ truyền, người Nhật không cảm nhận được sự chuyển mình của thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc giao thời. Bởi theo lịch Tây, ngày 1-1, thời tiết tại Nhật Bản đang trong giai đoạn vô cùng lạnh giá. Vì vậy, rất khó cho mọi người cảm nhận một mùa xuân mới đang về. Còn nếu theo âm lịch, mùa xuân sẽ đúng hẹn hơn, vì ngày đầu năm mới thường rơi vào tháng 2. Khi đó, hoa mận đã nở khắp nơi và khoảng 1 tháng sau (tháng 3 dương lịch), sắc xuân sẽ tràn ngập tại Nhật Bản với hoa anh đào nở.

Thông thường, trong chính sách của mỗi quốc gia, vấn đề văn hóa hay được xem nhẹ hơn kinh tế. Nhưng thực chất, giữa văn hóa và kinh tế có mối quan hệ đa chiều. Ngày nay, văn hóa còn là một trong những mục tiêu và động lực của phát triển bền vững. Lịch sử đã chứng minh rằng, sự đánh đổi văn hóa để lấy kinh tế không bao giờ thiếu những rủi ro. Chúng không biểu hiện ra ngay mà ăn dần ăn mòn, gây ra những tổn thương cho xã hội theo thời gian. Nói một cách khác, tự tay xóa bỏ một nét văn hóa, đồng nghĩa với việc tự cắt bỏ đi một phần tinh hoa của dân tộc và một phần linh hồn đất nước.

Học giả người Anh, Joe Buckley cho rằng, có rất nhiều quốc gia châu Á vẫn phát triển và vẫn ăn Tết Nguyên đán. Trung Quốc là một ví dụ, người lao động thường được nghỉ ít nhất 7 ngày trong dịp Tết. Mọi hoạt động kinh tế trong thời gian này coi như “đóng băng”. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và giờ đã lớn thứ hai thế giới. Hàn Quốc cũng vậy, năm 1950, "xứ sở Kim chi" vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Nhưng hiện nay nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong top 20 thế giới và đã công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công mà vẫn không cần bỏ Tết cổ truyền. Đó là chưa kể đến hai “con rồng” Đông Nam Á như Singapore và Malaysia, hai quốc gia hùng mạnh này vẫn giữ cho mình cái Tết truyền thống của dân tộc. “Phát triển kinh tế và ăn Tết cổ truyền luôn có thể song hành cùng nhau”, ông Buckley khẳng định.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nếu chỉ nhìn bề ngoài, Tết có thể làm đình trệ mọi hoạt động, nhưng trên thực tế đây là dịp kích cầu tiêu dùng rất mạnh, thậm chí là động lực phát triển kinh tế. Trung Quốc là một trong những quốc gia ăn mừng Tết Nguyên đán lớn nhất và đây cũng là dịp mà người dân Trung Quốc tăng sức mua rõ rệt. Chưa nói đến nguồn thu từ giao thông vận tải tăng vọt do cuộc "xuân vận" khổng lồ lên tới hàng tỷ lượt hành khách đi lại trong dịp Tết, theo số liệu của Bộ Thương mại nước này, chi tiêu cho dịp Tết tăng đều qua các năm.

Năm 2019, người Trung Quốc chi khoảng 900 tỷ nhân dân tệ cho hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi. Ước tính, mỗi hộ gia đình tăng chi tiêu khoảng 60% so với ngày thường trong dịp Tết. Đây cũng là thời điểm các công ty du lịch hoạt động hết công suất khi lượng khách nước ngoài đến trải nghiệm văn hóa truyền thống của người châu Á tăng vọt.

Chính vì vậy, thay vì nghĩ đến chuyện bỏ Tết cổ truyền để phát triển kinh tế, để hiện đại văn minh hơn, chúng ta nên nghĩ đến việc làm thế nào để hạn chế những mặt trái phát sinh từ dịp lễ này. Và đúng như Tiến sĩ Sin Harng Luh, Đại học Quốc gia Singapore đã nhận định: “Trở nên tiến bộ, văn minh không có nghĩa là gạt bỏ các giá trị văn hóa ra một bên. Nếu không giữ được cội nguồn văn hóa thì làm sao có thể phát triển những điều lớn lao hơn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiến bộ, văn minh không có nghĩa là gạt bỏ các giá trị văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.