(HNM) - Thủy sản Việt Nam vốn phong phú, đa dạng và được thế giới ưa chuộng như: Cá tra, basa, cá ngừ, tôm… Tuy nhiên, những sản phẩm này dường như chưa tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng trong nước.
Còn nhiều rào cản
Thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa của Việt Nam có tiềm năng rất lớn bởi dân số đông (92 triệu dân) và hàng triệu khách du lịch quốc tế đến tham quan mỗi năm. Theo đánh giá của các nhà sản xuất, vốn đầu tư cho chế biến sản phẩm thủy sản thị trường nội địa không nhiều, vòng quay sản phẩm ngắn nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh tương đối cao. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc, công nghệ chế biến đơn giản, dễ thực hiện; lực lượng lao động theo mùa vụ dồi dào; nguồn nguyên liệu đa dạng phong phú (khai thác, nuôi trồng, nhập khẩu...); sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng cao... Tất cả những yếu tố nêu trên là điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản nước ta đều nhận định, hiện nay, việc phát triển thị trường thủy sản nội địa bền vững và hỗ trợ tích cực cho thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều rào cản. Cụ thể, khó khăn "muôn thuở" vẫn là việc tiếp cận các cơ chế, chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư; việc quản lý, giám sát chồng chéo; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế... dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu ổn định. Ngoài ra, việc cạnh tranh về giá khi thu mua nguyên liệu giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa còn lớn. Một yếu tố quan trọng là thị hiếu tiêu dùng của người Việt đa số theo thói quen, cảm tính...
Bà Võ Thị Thu Hương, Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận xét: Rào cản đến từ thói quen tiêu dùng của người Việt thường mua đồ tươi sống, không cần bao gói, không quen sử dụng đồ đông lạnh... Trong khi đó, tại các nước phát triển, trong lưu thông, hầu hết các sản phẩm đông lạnh đều có bao gói và ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc... Đây cũng là thiệt thòi cho người tiêu dùng nước ta, bởi đơn cử như sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới (được ví như "mỏ vàng trắng") do chứa nhiều chất đạm, ít béo, nhiều EPA và DHA, ít cholesterol... nhưng thực tế, đa số người tiêu dùng trong nước chưa biết đến giá trị dinh dưỡng của loại cá này...
TS Đào Trọng Hiếu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 164 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, sản xuất xuất khẩu, còn có khoảng 4.000 cơ sở chế biến nhỏ, hộ sản xuất, các làng nghề thủy sản đạt khoảng 500.000 tấn/năm. Tổng giá trị sản phẩm trung bình khoảng 15.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động... |
Cần nâng cao nhận thức trong tiêu dùng
Theo chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương, Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp Sài Gòn, việc chế biến các món ăn từ hải sản, nhất là từ cá tra và cá basa vẫn còn xa lạ với nhiều người, có thể do họ chưa được cập nhật về cách chế biến và giá trị dinh dưỡng. Tại một số nơi, khi xem cách hướng dẫn chế biến và thưởng thức, món ăn này đã hấp dẫn nhiều người. Do vậy, công tác tuyên truyền "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" cần thay đổi, nhất là đối với các sản phẩm thủy sản. Nhà sản xuất cũng nên có nghiên cứu đánh giá thị hiếu, khẩu vị từng vùng miền để cung cấp các sản phẩm thủy sản phù hợp...
Ông Ngô Tiến Chương, chuyên gia thủy sản cho biết, thị trường nội địa đang bị xem nhẹ, trong đó có vấn đề công bố và quản lý chất lượng. Việt Nam mới chỉ có các quy định cụ thể, chi tiết về chất lượng cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu mà chưa có bộ tiêu chí đầy đủ, thống nhất cho thị trường nội địa. Mặt khác, việc kết nối giữa các nhà sản xuất, chế biến với hệ thống bán lẻ chưa chặt chẽ dẫn tới thủy sản đông lạnh bán qua hệ thống siêu thị không đắt hàng. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng chỉ tin vào sản phẩm nhập ngoại, mặc dù chất lượng sản phẩm trong nước không hề thua kém.
Để thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, các nhà quản lý, doanh nghiệp... đều cho rằng: Về mặt quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó là rà soát, bổ sung, thay thế những chính sách không còn phù hợp và nghiên cứu, đề xuất thêm những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy sản...
Một yếu tố quan trọng nữa, cần bố trí, quy hoạch các nhà máy chế biến gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, đủ đáp ứng yêu cầu về lượng và chất... Nếu khả thi, thủy sản sẽ thêm một phân khúc tiêu thụ ổn định là 92 triệu dân Việt Nam, góp phần rất đáng kể vào sự phát triển bền vững của ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.