Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thống Nhất| 16/03/2017 07:24

(HNM) - Việc bảo đảm an toàn trong giờ học thực hành, thí nghiệm ở cấp học phổ thông là đòi hỏi bắt buộc nhưng hiện đang tiềm ẩn những nguy cơ đến từ nhiều phía. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà trường đã thực sự quan tâm đến công tác quản lý học sinh (HS) và bảo quản vật dụng, hóa chất tại trường học hay chưa?


Quy định đã có nhưng khó kiểm soát

Mới đây, sự việc một nữ sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) bị bỏng nặng do một nhóm nam sinh cùng lớp nghịch hóa chất trong giờ thực hành đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần thực hiện nghiêm các quy định trong giờ học thực hành, thí nghiệm tại các nhà trường. Vấn đề là quy định đã có nhưng việc thực hiện không nghiêm dẫn đến hậu quả khôn lường.

Ảnh minh họa


Cụ thể là theo quy định với cấp học phổ thông, ngoài các giờ học lý thuyết tại lớp, với một số môn học như vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ..., HS còn phải tham gia thực hành, tổ chức thí nghiệm tại phòng học bộ môn. Để bảo đảm an toàn cho HS, ngày 16-7-2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 37/2008/QĐ-BGDĐT quy định về phòng học bộ môn với những nội dung cụ thể về yêu cầu an toàn và kỹ thuật của phòng học bộ môn nói chung, trong đó có những quy định chi tiết cho từng loại phòng học bộ môn, ví dụ như phòng học bộ môn vật lý phải được trang bị hệ thống điện xoay chiều, hệ thống cấp, thoát nước, cấp khí ga và thiết bị bảo đảm an toàn như thiết bị thông gió, thoát khí thải, mùi và hơi độc, phòng chống cháy nổ… Đặc biệt, đối với các phòng học bộ môn, yêu cầu bắt buộc là phải đặt tủ thuốc y tế để sơ cứu khi xảy ra sự cố.

Sau sự việc xảy ra tại Trường THPT Phan Đình Phùng, các nhà trường trên địa bàn thành phố đã chú ý hơn tới các giờ thí nghiệm, thực hành, luôn nhắc nhở HS chấp hành các yêu cầu đã được đề ra. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho biết, ngoài bảng nội quy gắn ở cửa phòng, các nội dung cụ thể của việc sử dụng phòng thực hành đều được phổ biến cho HS vào đầu năm học và ngay trước mỗi giờ học.

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đều cơ bản bảo đảm các yêu cầu quy định đối với phòng học bộ môn, trừ yêu cầu về tủ thuốc dù đây là yêu cầu quan trọng bậc nhất. Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong mỗi giờ thực hành bắt buộc phải có hai người quản lý HS, bao gồm một giáo viên bộ môn và một nhân viên phụ trách công tác chuẩn bị thiết bị thí nghiệm. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng đáp ứng tốt yêu cầu này. Đó là chưa kể một số nơi còn cho phép HS tự quản tại phòng học bộ môn.

Nhân lực mỏng

Số lượng HS tại các lớp học ở Hà Nội khá lớn (khoảng trên dưới 50 HS/lớp), các em lại đang ở độ tuổi hiếu động nên việc quản lý, duy trì trật tự và sự tuân thủ quy định nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho HS trong các giờ thí nghiệm tạo áp lực không nhỏ lên giáo viên các trường phổ thông.

Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, mặc dù đã được thầy cô giáo nhắc nhở thường xuyên nhưng nhiều HS đôi khi vẫn bỏ qua quy định. Trong giờ thực hành, ngay cả khi có đủ giáo viên và nhân viên phụ trách công tác thí nghiệm thì không phải lúc nào họ cũng có thể cùng lúc kiểm soát được toàn bộ HS trong lớp. Giữa các bàn làm thí nghiệm đều có vách ngăn theo quy định, song, cũng chính điều này đã làm hạn chế tầm quan sát của giáo viên. HS nghịch ngợm, tò mò, không ý thức rõ tác hại của các loại hóa chất nên có thể pha trộn nhiều loại hóa chất với nhau, đó là nguy cơ không dễ loại trừ.

Hiện nay, biên chế nhân viên phụ trách công tác thiết bị thí nghiệm tại các trường phổ thông được thực hiện theo Thông tư 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV, trong đó, trường hạng 1 (có quy mô trên 28 lớp) được bố trí 2 nhân viên phụ trách thiết bị thí nghiệm, còn những trường dưới 28 lớp chỉ được biên chế một nhân viên. Điều này khiến giáo viên các trường rất khó xoay sở, thực tế là các đơn vị đã phải cắt cử 1 nhân viên hỗ trợ trong các giờ thí nghiệm của 2 hoặc 3 môn (vật lý, hóa học, sinh học).

Theo ông Đặng Trần Xuân, chuyên viên phụ trách môn hóa học (Phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội), số lượng biên chế nói trên so với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay là quá mỏng, khó bảo đảm cho việc bố trí 1 nhân viên phụ trách thiết bị cho mỗi giờ học thực hành. Để bảo đảm an toàn cho HS, Hà Nội đề xuất Bộ GD-ĐT tăng thêm biên chế cho vị trí công việc này.

Từ sự việc xảy ra ở Trường THPT Phan Đình Phùng và hiện trạng của các nhà trường, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định, kỷ cương hành chính, quản lý tốt giờ dạy của giáo viên, đồng thời rà soát điều kiện dạy - học để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, HS. Các nhà trường phải đặc biệt quan tâm đến trang thiết bị phòng chống cháy nổ, hệ thống khí ga tại bếp ăn, phòng thí nghiệm cũng như công tác quản lý xe máy, xe ô tô ra vào nhà trường…

Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường phải tăng cường quản lý kho hóa chất, thiết bị thí nghiệm; nhân viên phụ trách công tác thiết bị phải trực tiếp cung cấp các thiết bị, hóa chất theo đề nghị của giáo viên bộ môn, tuyệt đối không giao cho HS chuẩn bị. Đây là quy định mà các nhà trường bắt buộc phải tuân thủ, nếu để xảy ra sự cố, gây mất an toàn cho HS thì hiệu trưởng nhà trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.