(HNMO) - Chiều 13-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến công bố 15 dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; sơ kết 3 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia và ra mắt hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Tại đầu cầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các sở, ngành dự.
Sau 3 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, từ ngày 9-12-2019 đến chiều 9-3-2020, đã có hơn 77.200 tài khoản đăng nhập; hơn 20,9 triệu người truy cập tìm hiểu thông tin dịch vụ; hơn 2,6 triệu bộ hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có hơn 13.100 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là kết quả tích cực, cho thấy Cổng dịch vụ công quốc gia được người dân, doanh nghiệp ủng hộ.
Theo thống kê, tính từ thời điểm đầu tiên mới đưa vào triển khai 8 nhóm dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 161 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó: Lĩnh vực công thương có 132 dịch vụ; điện lực 9 dịch vụ; giao thông vận tải 2 dịch vụ; tư pháp 2 dịch vụ; bảo hiểm xã hội 1 dịch vụ; tài chính 7 dịch vụ; công an 1 dịch vụ; khoa học công nghệ 1 dịch vụ; y tế 1 dịch vụ; kế hoạch đầu tư 1 dịch vụ… 15 dịch vụ công mới tích hợp thêm lên Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan đến thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; đăng ký khai sinh và cấp phiếu lý lịch tư pháp...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời khích lệ, động viên tới tất cả cán bộ thuộc các bộ, cơ quan đã tích cực tham gia vào quá trình cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt chống dịch Covid-19, việc đưa ngày càng nhiều dịch vụ công tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia không những giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí thực hiện, chống tham nhũng, mà còn hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng dịch. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành kết nối, tích hợp hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp trong tháng 3-2020.
Với các dịch vụ mới tổ chức thí điểm tại một số tỉnh, thành phố như: Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; kê khai và thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và thu thuế doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Công an, Tài chính, Giao thông và Vận tải tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện và triển khai toàn quốc trước ngày 30-6-2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm triển khai hệ thống giám sát về chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng ngành.
“Phải có được số liệu cụ thể thì mới biết được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt, mức độ hiệu quả ra sao của dịch vụ này”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Cũng tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã khai trương một số phân hệ của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Theo tính toán, nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, ước tính chi phí tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước là khoảng 460 tỷ đồng/năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.