(HNM) - Không còn ổn định như những thời điểm trước, thời gian gần đây, giá USD biến động mạnh theo chiều tăng.
Nhiều yếu tố tạo áp lực
Cách đây khoảng 1 tuần, giá USD được niêm yết tại các ngân hàng tăng tới 60 VND/USD, kéo tổng mức tăng giá của đồng tiền này từ đầu năm là 140 VND/USD, tương đương 0,61%. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều giao dịch với mức 22.820 VND/USD (mua vào) - 22.890 VND/USD (bán ra). Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên 22.605 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá giao dịch ở mức 22.870 VND/USD (mua vào) - 22.890 VND/USD (bán ra).
Mặc dù sau đó tỷ giá đã được điều chỉnh giảm, nhưng các chuyên gia vẫn dự báo về kịch bản tăng giá của đồng tiền này trong thời gian tới. Bởi, trên thị trường thế giới, đồng tiền này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng, trong đó từ giữa tháng 4 đến nay, tỷ giá đồng USD đã tăng hơn 6% so với euro. Ngày 5-6, tỷ giá đồng USD so với đồng euro dao động trên ngưỡng 1,17 USD/euro.
Thời gian gần đây, giá USD có xu hướng tăng. Ảnh: Mạnh Hà |
Theo Ngân hàng HSBC Việt Nam, tỷ giá tăng thời gian vừa qua do nhu cầu mua USD tăng cao. Thị trường thiếu vắng nguồn ngoại tệ về, trong khi nhu cầu mua USD lên cao, nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng trên thị trường chứng khoán là những yếu tố đằng sau xu hướng tăng của tỷ giá.
Đối với thị trường quốc tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự báo tăng lãi suất, cùng với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đáng kể trong thời gian gần đây khiến đồng USD tăng. Những yếu tố trên đã tạo áp lực lên tỷ giá trong nước. Kết hợp với các yếu tố như nhu cầu thanh toán ngoại tệ theo chu kỳ tăng cao, cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 5 cùng dòng vốn ngoại có dấu hiệu đảo chiều trong khoảng thời gian hai tuần cuối tháng 5, tỷ giá USD/VND đã có những bước "nhảy vọt" với biên độ lớn nhất kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, lợi thế về nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng nguồn dự trữ ngoại hối tích lũy thời gian qua sẽ bảo đảm nguồn lực cần thiết cho cơ quan quản lý chủ động trong việc điều hành chính sách linh hoạt, ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Xuất khẩu thuận lợi
Dự báo về những biến động của đồng USD trong thời gian tới, nhiều quỹ đầu tư cũng như chuyên gia nước ngoài đều cho rằng, đối với thị trường thế giới, các yếu tố chu kỳ đang thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD. Trong vài tháng qua, dữ liệu việc làm và tiền lương của Mỹ đều khả quan hơn dự kiến, đẩy kỳ vọng lạm phát tăng và làm tăng khả năng FED duy trì việc tăng lãi suất. Sau đợt tăng lãi suất tháng 3, FED phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, mà đợt tăng tiếp theo có thể diễn ra vào cuộc họp giữa tháng 6.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 có thể tăng nhẹ ở mức 1,5-2%, tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, tỷ giá có thể tăng 1-3% do còn nhiều ẩn số tác động từ tình hình kinh tế quốc tế và Việt Nam, nhất là khi USD tăng giá, nhu cầu về USD sẽ càng tăng lên, tạo thành áp lực ngoại tệ cho thị trường ngoại hối.
Ngân hàng HSBC Việt Nam lại cho rằng, đến cuối năm 2018, tỷ giá VND/USD có thể sẽ kết thúc ở mức 22.900 VND/USD, nhưng nhìn chung là ổn định bởi những biến động của thị trường đã được dự báo với tầm nhìn dài hạn nên sẽ tránh được những cú sốc bất ngờ. Ngoài ra, tỷ giá còn được hỗ trợ khi Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn ngoại tệ dự trữ để điều tiết khi cần thiết, dòng vốn nước ngoài tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Mặc dù đưa ra bức tranh về khả năng tăng của tỷ giá, song các chuyên gia đều rất lạc quan về diễn biến của thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm. Bởi, tình hình thanh khoản về tỷ giá trên thị trường và các ngân hàng thương mại vẫn khá ổn định, không có dấu hiệu căng thẳng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mua lượng lớn ngoại tệ, nên việc mua - bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường.
Song, các doanh nghiệp vẫn cần có những chuẩn bị về việc điều chỉnh tỷ giá, tránh những cú sốc bất thường, vì tỷ giá trong nước vẫn chịu áp lực lớn từ những yếu tố đến từ thị trường thế giới và diễn biến theo quy luật thị trường nên những biến động bất ngờ vẫn tiềm ẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.