(HNNN) - Muốn trở thành người lãnh tụ có sự nghiệp lớn và bền vững thì cần phải vừa không để mình bị tài năng che lấp, vừa không được ghen ghét với tài năng của người khác.
Hình họa cổ có một vị thần trên trời, tay ôm cuốn cẩm nang tới nghĩa là được trời giúp. Hai người đàn bà ôm nhau chỉ đồng tiền vàng là muốn nói sự hài lòng với những gì vốn có. Một lực sĩ kéo người bị ngã xuống giếng lên có ý nói được người giúp thoát ra khỏi nguy hiểm. Tỉnh là giếng đầy nước trong, hình thái rất bình lặng nhưng sức sống không cạn. Tuy nhiên, cũng phải có biện pháp nạo vét, lấy nước và phân chia nguồn lợi cho mọi người. Cần phải hiểu là giếng không thể di chuyển được, nên phải chấp nhận suy tính trên cơ sở những gì đã có.
Theo Thuyết văn, Tỉnh có cái lan can bằng gỗ chặn trên miệng giếng nước hình tứ giác hoặc bát giác. Còn chữ Tỉnh trên giáp cốt văn đều có tượng giếng nước và hiểu thêm là cái thùng gỗ thả xuống giếng lấy nước. Triệu quẻ này khô tỉnh sinh tuyền (giếng khô có nước trở lại). Màu sắc quẻ Tỉnh là xanh lơ - xanh lục đượm màu của thiên nhiên, lãng mạn, dịu dàng và mát mẻ. Giếng nước không những mang lại lợi ích cho con người mà còn là nơi tích trữ nguồn sống quan trọng. Phải có cách sử dụng nguồn nước đó để vừa sạch, vừa dùng không cạn. Từ đó suy xét về xã hội, thì việc tích lũy và sử dụng nhân tài rất quan trọng. Lịch sử đã chứng minh, nhân tài xuất hiện là sẽ giúp sự nghiệp vững vàng, thậm chí từ yếu trở thành mạnh, từ không thành có. Vì thế, bàn chuyện Tỉnh ở đây tức là những nguyên tắc hoàn thiện bản thân và sử dụng tài năng để xây dựng
sự nghiệp:
1. Trong cuộc sống, bất kỳ con người và tổ chức nào cần phải không ngừng tự mình đổi mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, sức mạnh để thích ứng với khách quan, đáp ứng được đòi hỏi của thực tế luôn phát triển. Không thể khư khư giữ mãi hình ảnh hoặc thành tích sẵn có của mình, bởi vì nước chảy sẽ không cũ, then cửa dùng không mọt, nước để lâu sẽ tù, dao để lâu sẽ gỉ, con người nếu không phù hợp sẽ bị lịch sử đào thải. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn còn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Bởi vậy: Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hàng ngày. Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt xấu.
2. Nhân tài thời nào cũng có, chỉ có điều tìm được nhân tài và mời họ ra làm việc, cất nhắc không phải là đơn giản. Xưa Lưu Bị đã ba lần tới lều cỏ để mời Gia Cát Lượng ra làm quân sư. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cũng đã ba lần đưa thư và quà tặng ra mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng Sùng Chính Viện, nhờ đó ông chọn xem ai có tài đức tâu lên để vua trọng dụng. Sau khi nước ta giành được độc lập, ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng báo Cứu Quốc để kêu gọi ai có tài năng và sáng kiến thì ra giúp cho Chính phủ. Người cũng đã mời các quan lại triều Nguyễn ra giúp sức cho chính quyền mới như cựu hoàng cố vấn Bảo Đại, các vị Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố, Vũ Đình Hòe... đặc biệt là cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà khoa bảng không ra làm quan mà tham gia sự nghiệp cứu nước bị đày ra Côn Đảo 13 năm. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hai bức điện, rồi mời cụ ra gặp mặt để thuyết phục cụ giúp cho dân, cho nước. Người đã giới thiệu cụ Huỳnh trước Quốc hội làm Bộ trưởng Nội vụ và Hội trưởng Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam. Trước khi lên đường sang Pháp, Người ủy quyền cho cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Quyền Chủ tịch nước với câu nói: Mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến. Và chính quyền cách mạng non trẻ đã vững vàng trước kẻ thù và còn phá được vụ án Ôn Như Hầu nổi tiếng.
3. Người tài phải gặp người lãnh đạo tốt thì mới có thể khai sáng sự nghiệp phát triển tài năng. Như vậy thì vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự thành bại của cá nhân hoặc tập thể nhân tài. Trong lịch sử Trung Quốc, vua Nghiêu là một bậc thánh đế đời nhà Đào Đường, nổi tiếng về trọng dụng hiền tài. Tiếp đến vua Thuấn lên ngôi cũng chọn hiền tài để cùng cai trị. Trong số các quan lại lúc đó có Cao Đào là quản lý tư pháp, ông đã trình lên nhà vua kế an dân làm trung tâm để phát triển đất nước. Muốn an dân thì người lãnh đạo phải có đạo đức, Cao Đào đã nêu chín phẩm chất là: Độ lượng, cẩn trọng, cung kính, ôn hòa nhưng có chủ kiến, khiêm tốn, nghiêm túc, chăm chỉ. Tài năng nhưng không hấp tấp; biết tiếp thu ý kiến của người khác nhưng sáng suốt, quyết đoán, cương trực; hành vi chân chính, thái độ ôn tồn, biết nhìn xa trông rộng, từ những việc nhỏ nhất; cương chính mà không lỗ mãng, dũng cảm, lương thiện. Chính vì nghe theo hiền tài mà vua Nghiêu, vua Thuấn trở thành những bậc thánh minh đế vương được truyền tụng muôn đời sau.
4. Tuy là người có tài năng nhưng cũng cần phải không ngừng bổ sung kiến thức, rèn luyện thực tế, chuẩn bị cả tinh thần và sức lực để sẵn sàng ra đóng góp tài năng xây dựng sự nghiệp chung. Nếu không bền bỉ và không tiếp thu kiến thức thì không thể đột biến bay lên được, như đứa trẻ phải biết lẫy, biết bò, biết đi rồi mới chạy được. Chuyện cổ chép rằng, đầu đời nhà Minh, một thầy giáo làng ở Giang Tô tên là Đào Tông Nghi thường tham gia cày cấy, trồng trọt. Nhưng khi rảnh rỗi, ông thường đem những điều tâm đắc hoặc tai nghe, mắt thấy viết lên những chiếc lá rụng để vào một cái hũ. Khi hũ đầy thì chôn xuống đất. Cứ như vậy qua năm tháng liên tục, ông đã chôn hơn 10 cái hũ. Sau đó ông đào những chiếc hũ lá lên, ghi chép chỉnh lý lại câu chữ ý tứ ghi trên lá và viết thành một tác phẩm nổi tiếng gần 30 cuốn sách.
5. Khi sử dụng tài năng của người nào đó, cần phải biết phân biệt đâu là thực tài, đâu là hư tài. Nếu lẫn lộn tài giả, tài thật sẽ hỏng cả việc chung lẫn việc riêng. Thời Chiến Quốc, Tề Tuyên Vương thích nghe thổi sáo, nhất là hòa tấu sáo nên mỗi lần nghe biểu diễn phải có 300 nhạc sư cùng thổi sáo thì vua mới thỏa hứng. Trong số những nhạc sư biểu diễn thường xuyên, có một người là Nam Quách không hề biết thổi sáo, nhưng nhờ người thân quen tiến cử, không phải qua kiểm tra nên cũng được tham gia vào dàn sáo. Ông ta cũng nâng ống sáo lên, giả bộ thổi say sưa, thực ra không hề phát ra âm nào. Nhưng vì ở trong dàn sáo nên Quách cũng được hưởng mọi đãi ngộ như những người khác, sống no ấm nhiều năm. Khi Tuyên Vương mất, Thái tử lên thay cũng rất thích nghe thổi sáo, nhưng lại chỉ thích nghe độc tấu. Tần vương cho gọi từng người trong dàn nhạc vào biểu diễn. Lúc này, Quách đành chuồn mất, không muốn mất mạng vì sự nhập nhèm tài năng.
6. Muốn trở thành người lãnh tụ có sự nghiệp lớn và bền vững thì cần phải vừa không để mình bị tài năng che lấp, vừa không được ghen ghét với tài năng của người khác. Cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho tài năng phát triển để vừa làm phúc, vừa làm thiện. Nếu chỉ muốn duy ngã độc tôn, diệt hết người tài thì chính mình cũng sẽ bị người tài giỏi hơn tiêu diệt. Thời Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều là hai học trò giỏi của danh sư Quỷ Cốc Tử. Vì sốt ruột thành danh nên Bàng hạ sơn tới nước Ngụy, được phong làm quân sư, nổi danh và đã thắng nhiều trận. Nhưng Bàng vẫn lo ngại Tôn vì ông này ở lại học thêm ba năm nữa, được thầy truyền cho Binh pháp gia truyền. Thế là Bàng dùng mưu giục Ngụy vương mời Tôn Tẫn về giúp vua. Sau đó y giả mạo chữ của Tôn viết thư cho nước Tề, rồi khép Tôn Tẫn vào tội chết. Ngụy vương muốn chém đầu nhưng Bàng giả vờ nhân đạo cứu bạn, xin cho chặt chân Tôn để đưa về chăm sóc, bày cách rút ruột hết Binh thư của Tôn rồi mới giết. Khi biết mưu mô của Bàng, Tôn Tẫn giả điên thoát khỏi nước Ngụy sang nước Tề làm quân sư. Cuối cùng gặp lại Bàng trên chiến trường tại Mã Lăng, Tôn đã đánh bại quân Ngụy, tiêu diệt Bàng Quyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.