Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thường xuyên, liên tục, quyết liệt hơn

Hoàng Lê| 07/04/2022 07:03

(HNMCT) - Thứ tư tuần này, ngày 6-4, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại Hà Nội bắt đầu tới trường học trực tiếp. “Lệnh” ban hành lúc nào tôi không nhớ, chỉ biết là chiều hôm thứ hai vào thang máy, người đàn ông ở cùng chung cư hoan hỷ thốt lên rằng “thế là từ nay tôi được ngủ trưa rồi”.

Anh ấy làm ở một cơ quan nghiên cứu, lịch làm việc cụ thể thì tôi không rõ nhưng anh nói mình thường làm việc rất muộn, nhiều khi đến 1, 2h sáng. Đêm thức thì thường vào buổi sáng sẽ dậy muộn, hoặc không thì cần phải ngủ trưa. Nhưng với anh thì giấc ngủ trưa là điều xa xỉ bởi hễ tới “cữ ngủ” là căn hộ trên đầu nhà anh lại có tiếng trẻ chạy nhảy uỳnh uỳnh. Góp ý nhiều lần nhưng sự thể không khá lên, anh chọn cách chịu đựng, mong dịch Covid qua nhanh để “thủ phạm” tới trường và buổi trưa không còn “hành” anh nữa.

Ba, bốn tháng hầu như không được ngủ trưa khiến anh trở nên mẫn cảm với vấn đề tiếng ồn. Ăn sáng cùng nhau, anh “khoe” Lâm Đồng “người ta” vừa mở chiến dịch yêu cầu chủ xe ô tô dẹp bỏ còi hơi; thành phố Hồ Chí Minh khẩn cấp yêu cầu chính quyền cơ sở xử lý quyết liệt vấn nạn ô nhiễm âm thanh, quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu còn để “xảy chuyện”... Anh kể nhiều chuyện nữa, như thể chính quyền, đoàn thể trong những ngày này chỉ lo mỗi việc xử lý vấn đề tiếng ồn vậy.

Nhưng đúng là từ đầu năm 2022 có nhiều tỉnh, thành phố quan tâm tới vấn đề này thật. Tôi nhớ không nhầm thì riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có hai lần ra văn bản liên quan, tỏ thái độ gay gắt, báo chí hưởng ứng ầm ầm. Rồi ở Quảng Trị, một chủ nhà hàng bị phạt tới mấy chục triệu đồng vì “lỗi gộp” - liên quan tới tiếng ồn và an toàn vệ sinh thực phẩm... Với biết bao người đang chịu khổ vì ô nhiễm âm thanh, tôi nghĩ những thông tin này là một sự an ủi, rằng cuối cùng thì cũng có nơi rốt ráo chống lại hành vi phản văn hóa, gây hại cho cộng đồng nhưng dường như trước nay chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng liệu phản ứng nói trên ở một số nơi có rơi vào tình trạng rộ lên rồi nhanh chóng xẹp xuống, “đầu voi đuôi chuột” như người ta vẫn nói?

Đó là vấn đề mà các cấp chính quyền cần lưu tâm, bởi ô nhiễm tiếng ồn đích thị là “sát thủ” của sức khỏe tinh thần và thể chất con người. Nhìn quanh ta, dễ dàng ghi nhận tiếng còi xe, tiếng hát karaoke, tiếng khoan đục... vào giờ mọi người được quyền nghỉ ngơi. Hệ quả đã rõ, từ sức khỏe bị ảnh hưởng cho đến va chạm giữa các bên, có khi người chịu uất ức đến mức không tự chủ nổi nên đem “bom” xăng quẳng vào nơi phát ra tiếng ồn... Là vấn nạn thường ngày, dễ thấy, nhưng tại sao thỉnh thoảng mới có người vi phạm quy định bị xử lý? Tại những nạn nhân của hành vi gây tiếng ồn không chịu lên tiếng hay cơ chế xử lý, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền xử lý vấn đề này bị buông lỏng?

Nhà nghiên cứu ở cùng chung cư với tôi có nói một câu về “người ở tầng trên” khiến người nghe dở khóc dở cười: “Chỉ khi nào họ cho ngủ thì tôi mới được ngủ”. Câu chuyện còn gợi ra ý rằng, không hiểu vì sao lại chỉ quy định chung chung về khoảng thời gian nghỉ ngơi không ai được gây tiếng ồn quá mức cho phép là từ 22h ngày hôm trước tới 6h ngày hôm sau. Như thế thì ở khu dân cư sẽ ra sao, nhẽ nào cứ sau 22h thì người bị hại bởi tiếng ồn mới được phép có ý kiến dù đã bị tra tấn suốt nhiều giờ trước đó? Nhẽ ra, cần có thêm quy định cụ thể hơn, phù hợp với khu dân cư, trường học, bệnh viện... để trừ những trường hợp đặc biệt như sửa chữa nhà cửa, tổ chức đám cưới, đám tang ra thì ai ai cũng có thể nghỉ ngơi yên ổn khi nào mình muốn. Chỉ có thế thì mới “đánh đổ” quan niệm thường thấy ở khu dân cư, rằng chỉ cần sau 13h30 thì có thể thoải mái ồn ào mà không lo bị nhận xét là thiếu văn hóa.

Cuộc sống có nhiều vấn đề cần điều chỉnh mà ô nhiễm tiếng ồn chỉ là một trong số đó. Với bất cứ việc gì, điều quan trọng là phải giải quyết đến nơi đến chốn chứ không thể tùy hứng từng nơi khơi ra rồi buông tay. Chuyện về chiếc còi hơi ở Lâm Đồng hay nơi nào khác nữa nên là bước khởi đầu cho chương trình hành động thường xuyên, liên tục, quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường xuyên, liên tục, quyết liệt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.