(HNM) - Sau hơn một tháng bị trì hoãn, thương vụ sáp nhập giữa Hãng công nghệ Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) và Sharp của Nhật Bản đã chính thức được thông qua trong ngày cuối cùng của tháng 3.
Thật ngạc nhiên khi mức giá chào mua cuối cùng thấp hơn một nửa so với mức công bố trước đó. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mức giá sáp nhập 3,5 tỷ USD được xem là "rẻ" đối với một hãng công nghệ có tên tuổi và bề dày lịch sử như Sharp.
Theo thỏa thuận cuối cùng, Foxconn sẽ nắm giữ 66% cổ phần của Sharp và chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ cho công ty Nhật Bản này. Mức giá trên giảm đáng kể so với thỏa thuận mua lại trị giá 5,8 tỷ USD mà hai bên đưa ra vào cuối tháng 2 vừa qua. Thông tin mới nhất cho thấy, Foxconn đã giảm giá sau khi nhận được những tài liệu liên quan đến tình hình nợ nần của Sharp - số tiền lên đến khoảng 350 tỷ yên (3,1 tỷ USD). Những rắc rối tài chính của Sharp khiến Foxconn từ chối trả mức giá đầy đủ vào thời điểm đó.
Trên thực tế, Sharp đã phải vật lộn về vấn đề tài chính trong nhiều năm và gần như phá sản vào năm 2012, mặc dù hãng luôn đi đầu trong công nghệ màn hình. Ngay trước khi Foxconn bước vào thâu tóm, Sharp đã thảo luận về đề nghị từ một tập đoàn do Chính phủ hậu thuẫn. Tháng 5-2015, tập đoàn điện tử danh tiếng đã nhận được gói cứu trợ của hai ngân hàng lớn nhất Nhật Bản là Mizuho và Tokyo Misubishi. Những ngân hàng này vốn được Chính phủ "chống lưng" và điều đó có nghĩa là Sharp đã gián tiếp nhận được sự giúp đỡ từ Chính phủ. Với những khoản vay ngân hàng lãi suất thấp, Sharp có thể bán ti vi ở mức giá siêu rẻ, thậm chí không có lợi nhuận nhưng lại ăn mòn biên độ lợi nhuận của công ty khác. Thế nhưng, gói cứu trợ của ngân hàng không hề giúp ích cho việc cải thiện chiến lược hoạt động của Sharp khi các nhà quản lý của công ty đã phải cố gắng "cầm chừng" và duy trì tình trạng này lâu nhất có thể.
Thương vụ sáp nhập giữa Sharp và Foxconn đánh dấu sự kết hợp giữa một thương hiệu điện tử tiên phong của Nhật Bản, được thành lập từ năm 1912, với một tên tuổi ra đời sau gần 60 năm và ít được biết đến hơn, song đã phát triển nhanh chóng và trở thành một nhà sản xuất theo hợp đồng cho nhiều thương hiệu toàn cầu, trong đó có "gã khổng lồ" về công nghệ Apple Inc của Mỹ. Sự kiện Foxconn tiếp quản Sharp trở thành công ty nước ngoài đầu tiên thâu tóm tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản. Điều này khiến Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm, bởi nó gây ra mối lo ngại trong ngành công nghệ của xứ sở Hoa anh đào. Các quan chức Nhật Bản khá lo ngại việc Sharp rơi vào tay các công ty nước ngoài vì khi đó sẽ có nhiều công nghệ và bí quyết được sử dụng để sản xuất ra các tấm màn hình điện tử của hãng sẽ lọt ra ngoài.
Hiện số nhân lực toàn cầu của Sharp vẫn đang duy trì ở con số khoảng 50.000 người và tập đoàn này vẫn tập trung sản xuất các sản phẩm thế mạnh từ trước của mình là các dòng ti vi, máy tính bảng và các loại màn hình hiển thị phục vụ các mục đích khác nhau. Được biết Foxconn hiện đang là nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn cho Apple và Microsoft. Việc mua lại Sharp sẽ giúp Foxconn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của hãng lên các nhà sản xuất khác. Khi được hỏi về chiến lược nhằm vực dậy Sharp, thành viên hội đồng quản trị của Foxconn Tai Jeng-wu cho hay, họ dự định sẽ tập trung vào nâng cấp công nghệ của nhà sản xuất đến từ Nhật Bản, nhưng không cho biết thêm thông tin chi tiết. Ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực, Foxconn sẽ tìm cách để tăng cường khả năng sản xuất của mình bằng cách tận dụng các công nghệ và cơ sở vật chất của Sharp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.