(HNM) - Ở tuổi 87, nhiều người đã an phận tuổi già, vui vầy cùng con cháu, nhưng bà Lê Thu (phường Quảng An, quận Tây Hồ) vẫn tất bật với những việc làm thiện nguyện cùng Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long (Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội). Quan niệm “thương người như thể thương thân”, bà thấy mình phải tranh thủ thời gian, sức lực để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của bà Lê Thu được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố ghi nhận, đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.
"Bác Hồ luôn ở trong tim tôi"
Bà Lê Thu tên thật là Đào Thị Đoan, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Năm 14 tuổi, bà đã tham gia làm liên lạc cho tổ chức cách mạng ở địa phương. Năm 1947, bà thoát ly tham gia Thiếu sinh quân, vào ngành Công an, nhận nhiệm vụ làm trinh sát ở nội thành Hà Nội. Đến cuối năm 1954, sau khi giải phóng Thủ đô, nhờ có năng khiếu văn nghệ, bà được chuyển về Ủy ban Phát thanh và Truyền hình (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) làm phát thanh viên và diễn viên Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà Thu có vinh dự được cùng các nghệ sĩ nhiều lần vào Phủ Chủ tịch phục vụ dịp lễ, Tết hoặc khi Bác Hồ tiếp các đoàn khách quốc tế.
Nhớ về lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà cho biết: “Nhiều lần vào Phủ Chủ tịch, tôi chỉ nhìn thấy Bác xa xa, nên lần đầu gặp Người, lòng tôi xúc động khôn xiết. Bác ân cần hỏi han công việc từng người. Đến lượt tôi, Bác muốn xem tôi có đúng là người Cao Bằng không, liền hỏi bằng tiếng Tày: “Cháu năm nay bao nhiêu tuổi?”, “Cháu có mấy người con?”… Bác rất vui khi biết tôi sinh ra ở Cao Bằng, nơi được chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên, nơi Người trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước”.
Ngừng lời một chút vì xúc động, bà kể tiếp: “Từ năm 1955, hằng năm tôi được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cùng một số nghệ sĩ khác. Bác hỏi tôi về công việc đang làm, tôi thưa với Bác về công tác công đoàn tôi đang đảm trách, chú trọng chăm lo tốt đời sống cho anh em. Bác nói vui: “Như thế cũng là đầy tớ của dân”. Bác coi chúng tôi như những người con, người cháu và hỏi chuyện gia đình, học hành của con cái, nhắn nhủ chúng tôi: “Không có gì quý bằng hạnh phúc gia đình”. Khi về, bao giờ Bác cũng gửi bánh, kẹo mang về làm quà cho các con chúng tôi”.
Nói đến đây, bà Thu rưng rưng: “Tôi nhớ nhất là lần Bác kể chuyện cho chúng tôi nghe về những năm tháng ở nước ngoài về, kể về hang Pác Bó. Tôi là người Cao Bằng nhưng đi thoát ly từ lúc còn trẻ. Lúc bấy giờ cũng chưa mấy người biết hang Pác Bó, nên sau này, khi trở lại Cao Bằng, thăm hang Pác Bó, khi nhìn thấy những mảnh gỗ ghép vào để Bác nằm, tôi mới thấy sự hy sinh của Người cho dân tộc to lớn đến nhường nào”.
Những ký ức về năm tháng được gặp Bác, được nghe Người kể chuyện đã theo bà Thu suốt cuộc đời. Bà bảo: “Đó là những ký ức đẹp không bao giờ phai mờ. Điều tôi thấy tiếc nhất là không có tấm ảnh nào chụp cùng Bác Hồ, nhưng mà Bác luôn ở trong tim tôi”. Noi gương Người, cô gái Tày năm xưa đã không ngừng cố gắng làm tốt vai trò của mình, học Bác ở việc dành cả cuộc đời để chăm lo cho mọi người.
Không ngừng làm việc thiện
Sau khi nghỉ hưu, năm 2009, bà Lê Thu thành lập Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, gồm 30 người là những doanh nhân cựu chiến binh, lãnh đạo các doanh nghiệp cùng một số cán bộ đã nghỉ hưu của ngành Công an. Với vai trò Chi hội trưởng, bà Thu luôn gương mẫu, tận tâm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được nhiều người yêu mến, kính trọng, nể phục. Tất cả các lời kêu gọi, cuộc vận động của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, bà cùng chi hội hưởng ứng nhiệt tình, đầy đủ.
Bà Thu cho biết, 10 năm qua, chi hội hỗ trợ thường xuyên 300 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 24.000 suất quà; tặng 10 con trâu sinh sản; xóa 12 nhà dột nát cho các hộ nghèo của tỉnh Cao Bằng và thành phố Hà Nội; tặng 10.000 chăn bông cho hộ nghèo ở các tỉnh miền núi phía Bắc; xây 2 cây cầu dân sinh tại Cao Bằng; tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 10 triệu đồng cho các hộ nghèo ở huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng)… Tổng giá trị hỗ trợ của chi hội lên đến hơn 16 tỷ đồng.
Đặc biệt, bà Thu còn xây dựng mô hình gian hàng từ thiện “Ai có điều kiện thì mang đến cho, còn ai khó khăn thì tới nhận” tại địa chỉ 19/52 Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ. Đây là nơi mà những người nghèo cảm thấy ấm lòng, vì ai khó khăn tìm đến cũng được nhận những món đồ gia dụng, thực phẩm... Bà chia sẻ: “Tôi thấy vui và thanh thản khi được giúp người khác”.
Đồng hành cùng bà Thu trong công tác thiện nguyện 10 năm qua, Thiếu tướng Đỗ Hùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, hội viên Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long cho biết: “Xuất phát từ tình yêu thương con người, bà Thu không chỉ tích cực hoạt động từ thiện nhân đạo, bằng uy tín của mình, bà còn kết nối và lan tỏa những việc làm nhân ái, có ý nghĩa để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn”.
Bên cạnh đó, bà luôn hướng cho các con mình phải có cái tâm, làm ăn chân chính, biết thương yêu những người nghèo khổ, lá lành đùm lá rách. Ngoài thời gian nghỉ ngơi, bà lại đi vận động, tìm nguồn hỗ trợ cho những chuyến từ thiện tiếp theo. Khi thấy mẹ đi làm từ thiện thì sức khỏe có phần tốt hơn, các con của bà tình nguyện ủng hộ để được cùng mẹ làm từ thiện.
Ghi nhận những việc làm của bà Thu, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 9, phường Quảng An Nguyễn Thị Nênh cho biết: Tuy tuổi đã cao, nhưng những việc làm của bà Thu rất đáng quý. Hằng năm, bà Thu đều chung tay giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Giờ đây, tuy tuổi cao, mắt đã mờ, mái tóc bạc trắng, nhưng lòng nhiệt tình, say mê của bà Lê Thu không hề giảm. Tấm lòng nhân hậu của bà không chỉ là tấm gương cho con cháu, mà còn làm rung động những trái tim hướng thiện. Ấy vậy nhưng bà khiêm tốn bảo rằng: “Tôi làm được những việc này là do mọi người tin tưởng, yêu thương. Còn sống ngày nào tôi còn tranh thủ làm việc thiện ngày đó…”.
Bà Lê Thu vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất năm 1985; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước năm 2005, Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác từ thiện giai đoạn 2011-2015; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu gương “Người tốt, việc tốt” (năm 2015 và năm 2018). Ngoài ra, bà còn được nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012; Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2018. Hiện bà đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.