Từ năm 2010 đến năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã xét tặng và vinh danh 149 “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Với quy trình xét chọn chặt chẽ, đặc biệt là các cá nhân sau khi được tôn vinh tiếp tục phát huy thành tích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đã khẳng định được sự cao quý của danh hiệu đặc biệt này.
Vinh danh đúng, trúng
Với tinh thần không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, vào dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi nhìn nhận đánh giá lại gần 20 năm thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố đã đề xuất Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội xây dựng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND (ngày 31-5-2010) về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. Sau những lần điều chỉnh, bổ sung vào năm 2018 và mới đây nhất là năm 2024, Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, tiêu chuẩn xét tặng chặt chẽ hơn, chú trọng yếu tố: “Có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Có thể thấy, cùng với việc duy trì cách thức tôn vinh đặc sắc mang nét riêng của Hà Nội này, thành phố chú trọng việc đổi mới để bảo đảm chặt chẽ về quy trình xét chọn. Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Nguyễn Công Bằng cho biết: Thành phố Hà Nội không ngừng tiếp thu và thay đổi quy chế xét chọn để phù hợp với tình hình thực tiễn. Điển hình là việc gắn trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, cơ sở trong việc phối hợp phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để các gương điển hình, người tốt - việc tốt có cơ hội được phát huy những hành động, nghĩa cử cao đẹp của mình trong một thời gian dài, nhằm hướng đến danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Hiện nay, đã có nhiều cơ quan trên địa bàn thành phố chủ động thực hiện công tác bồi dưỡng, khen tặng những cá nhân điển hình của ngành mình, góp phần khích lệ các cá nhân tiếp tục cố gắng hơn nữa để đạt được danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” trong thời gian tới. Cùng với đó, các cấp, các ngành được khuyến khích ban hành quy chế thi đua, khen thưởng riêng dựa trên quy chế chung của thành phố; phát động cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt; tổ chức giao lưu với các gương tiêu biểu… Qua đó, những việc làm ý nghĩa, nhân văn ngày càng được lan tỏa.
Động lực thúc đẩy phát triển xã hội
Nói về việc duy trì thường niên việc biểu dương, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt, đặc biệt là việc vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” đã được thực hiện liên tục 14 năm qua, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Nguyễn Công Bằng cho rằng, việc khen đúng, khen trúng là sự động viên đối với cá nhân, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển xã hội. Minh chứng là các gương “Công dân Thủ đô ưu tú” sau khi được thành phố xét tặng, vinh danh đều tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm ở các phần việc mình đã và đang làm, góp phần xây dựng địa phương, đơn vị nói riêng và Thủ đô nói chung.
149 “Công dân Thủ đô ưu tú” được vinh danh trong 14 năm qua xuất hiện phong phú ở 14 lĩnh vực: Văn hóa, nghệ thuật; y tế; xã hội, từ thiện; sản xuất, kinh doanh; công chức, viên chức, cán bộ cơ sở; giáo dục - đào tạo; quốc phòng - an ninh; nghiên cứu khoa học, lịch sử, xã hội; nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới; nghề truyền thống; người lao động trực tiếp; thể dục thể thao; giáo dục truyền thống; xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.
Dù ở nhiều ngành, nghề và các lứa tuổi khác nhau, song họ đều có điểm chung là tinh thần cống hiến, đam mê công việc mình đang làm và đặc biệt là có tình yêu sâu lắng với Hà Nội.
Là 1 trong 10 cá nhân vừa được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024, đồng chí Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết: “Tôi rất xúc động khi được thành phố trao tặng danh hiệu rất cao quý này. Đây là niềm vui, đồng thời cũng gắn với trách nhiệm, nhận rồi phải nghĩ mình làm gì tốt hơn nữa để góp phần xây dựng Thủ đô…”.
Đối với ông Lê Đình Duật - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023, sau 25 vận động hơn 1.500 lượt người tham gia hiến máu, đã được nhiều cấp, ngành biểu dương, khen thưởng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thư khen, gặp mặt, tuyên dương, song sự ghi nhận của thành phố khi trao tặng danh hiệu cao quý của Thủ đô vẫn mang lại cho ông niềm hạnh phúc lớn lao, tiếp thêm cho ông động lực để còn sức khỏe là còn cống hiến. “Mỗi lần được biểu dương, tôi lại thấy mình có thêm trách nhiệm và luôn hứa sẽ tiếp tục làm và là nòng cốt cho gia đình trong việc duy trì công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện”, ông nói. Đó cũng là tâm trạng, suy nghĩ chung của các cá nhân đã được trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
14 năm qua, Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt của thành phố Hà Nội được tổ chức quy mô hơn, ý nghĩa hơn khi kết hợp tôn vinh các “Công dân Thủ đô ưu tú”. Nên chăng, sau sự kiện tôn vinh của thành phố, các ngành, các cấp, địa phương cần chủ động, sáng tạo tổ chức các cuộc tôn vinh, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm từ các “Công dân Thủ đô ưu tú”, để danh hiệu cao quý này tiếp tục phát huy ý nghĩa, tăng sức lan tỏa, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân hăng say lao động, cống hiến, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.