(HNM) - Như vậy là đã tròn một tuần sau khi mặt hàng xăng lại tăng giá lên mức cao nhất từ trước tới nay - xăng A92 lên mức 25.640 đồng/lít vào tối 7-7-2014. Trong mức giá đó, thuế và phí của mỗi lít xăng mà người tiêu dùng phải gánh chịu là 10.743 đồng. Vậy nhưng, theo các nhà quản lý thì mức tăng có được... như thế là do còn được trích bù từ Quỹ bình ổn là 500 đồng/lít, nếu không đợt này giá xăng phải tăng thêm 918 đồng/lít.
Cũng theo các nhà quản lý, việc điều hành giá xăng luôn bám sát Nghị định 84/2009/ NĐ-CP liên bộ Tài chính - Công thương. Lại nữa, gần đây diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng cao, biến động mạnh, và đã hơn 10 ngày kể từ lần lên giá trước (ngày 23-6-2014), nên việc điều chỉnh là cần thiết...
Tóm lại, tăng như vậy song người tiêu dùng cần phải biết công sức của các nhà quản lý với những tính toán các biện pháp bình ổn giá, nếu không, mức giá còn cao hơn thế.
Ấy là nói về lý thuyết, là giải thích của quan chức ngành chức năng về việc tăng giá xăng. Còn trên thực tế, từ đầu năm tới nay giá xăng đã được... điều chỉnh 5 lần, mà cụ thể là chỉ tăng mà không giảm. Cũng trên thực tế, vào thời điểm này, so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, giá xăng của Việt Nam chỉ thấp hơn của Singapore, Lào và Campuchia, trong khi đó, có những nước như Malaysia, giá xăng A92 chỉ bằng nửa giá xăng của Việt Nam.
Giá xăng tăng dẫn đến giá một số mặt hàng thiết yếu bắt buộc phải tăng theo. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét: "Sức đề kháng của doanh nghiệp hiện tại khá yếu, sức mua quá thấp. Việc tăng giá xăng dầu lúc này như bồi thêm một "cú đấm" để làm cạn kiệt sức mua của người tiêu dùng. Điều này có thể tác động không nhỏ đến sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế". Một số chuyên gia khác lại băn khoăn, liệu có nên kích cầu hay không, trong khi hiện nay thuế nhập khẩu xăng dầu đang đứng ở mức cao, cụ thể là 18% đối với xăng A92, tại sao không giảm thuế?
Nhiều người còn nhớ, trước đây, tại diễn đàn Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ từng tuyên bố: "Chúng tôi điều hành giá xăng dầu vì hơn 80 triệu dân chứ không vì vài doanh nghiệp đầu mối". Quan điểm ấy được các đại biểu Quốc hội và người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên đáng tiếc là điều đó chưa trở thành hiện thực. Đến đây, chắc chắn ai cũng thắc mắc tại sao như vậy? Điều dễ nhận thấy trước tiên là lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa... hài hòa như mục tiêu chúng ta vẫn phấn đấu và hướng đến. Lấy ví dụ, Petrolimex - doanh nghiệp chiếm khoảng 52% thị phần xăng dầu Việt Nam đã có mức lãi trên 2.000 tỷ đồng trong năm 2013, hơn một nửa số lợi nhuận đó là do kinh doanh xăng dầu. Riêng quý I-2014, doanh nghiệp này báo lãi 337,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 1,52% so với cùng kỳ năm trước. Thời buổi làm ăn khó khăn như hiện nay, sao họ không chấp nhận giảm lãi để chia sẻ với Nhà nước và xã hội? Chắc chắn nói vậy sẽ có người bảo, bất cập này là do cơ chế. Tuy nhiên xét cho cùng, mọi cơ chế chính sách đều do con người đặt ra và cần phải sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với thực tế cuộc sống. Các ngành chức năng được giao trách nhiệm quản lý nhà nước không phải không biết điều đó. Tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm điều hành giá xăng dầu của hai bộ Tài chính và Công thương, đồng thời chỉ rõ tình trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi và có dấu hiệu lợi ích nhóm trong điều hành giá xăng dầu. Trả lời chất vấn, lãnh đạo hai ngành cũng đã thừa nhận những bất cập của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Vậy tại sao những bất cập đó vẫn tồn tại và vẫn được áp dụng là cơ sở pháp lý để tăng giá mặt hàng quan trọng này?
Vẫn còn những chuyện như đã nêu thì bao giờ mới đòi hỏi được sự công khai, minh bạch để thực hiện mục tiêu "điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường" như chỉ đạo của Chính phủ? Ấy cũng là lý do, đã độc quyền thì "thượng đế" cũng phải sợ vì đâu có sự lựa chọn nào khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.