(HNM) - Trong khoảng 10 ngày qua, cùng với những thông tin
Câu chuyện này cụ thể như thế nào? Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, chưa thể điều chỉnh giá bán xăng dầu mà cần tính toán, cân nhắc kỹ những tác động đến đời sống xã hội. Còn các DN đầu mối xăng dầu khẳng định không hề có tình trạng thiếu hàng, khan hàng (xăng dầu), nguồn cung ứng hoàn toàn được bảo đảm. Bộ Công thương thì trả lời báo chí rằng, các đầu mối nhập khẩu đều đăng ký hạn ngạch nên cơ quan chức năng hoàn toàn có thể quản lý được nguồn cung ứng có bảo đảm hay không. Về thông tin một số cơ sở kinh doanh ngừng bán xăng dầu ra thị trường với lý do khan hiếm nguồn ngoại tệ để nhập khẩu mặt hàng này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng thương mại đã cung ứng đủ ngoại tệ để phục vụ nhu cầu dự trữ và lưu thông xăng dầu trên thị trường trong nước...
Mọi chuyện đều đã rõ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Công thương đã 2 lần ra văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp găm hàng nhằm đầu cơ xăng dầu, kể cả tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thị trường xăng dầu dần bình ổn trở lại khi hàng loạt đường dây nóng tới các chi cục quản lý thị trường được thành lập để người dân có thể phản ánh thông tin tới lực lượng chức năng về những cây xăng có biểu hiện vi phạm. Điều đó cho thấy, không phải các cơ quan quản lý không có “thuốc” chữa hữu hiệu đối với căn bệnh găm hàng đầu cơ chờ tăng giá để trục lợi. Và những "cây gậy" trong tay các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước không chỉ có ở riêng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Có thể lấy ví dụ tương tự như chuyện sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ở Hà Nội nhiều vi phạm giao thông tái diễn, đặc biệt là tình trạng không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy... Khi lực lượng chức năng "ra quân", siết chặt công tác quản lý, tất cả lại đâu vào đó.
Mỗi năm nước ta có hai kỳ họp Quốc hội. Một nội dung mà trong kỳ họp Quốc hội lần nào cũng diễn ra là sửa đổi, bổ sung và ban hành thêm các điều luật để giúp cho cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước một cách hiệu quả. Nói một cách khác, đó chính là những "cây gậy" được ban hành để phù hợp với đòi hỏi và yêu cầu của thực tế khách quan. Tuy nhiên, cách thức sử dụng những "cây gậy" của các cơ quan quản lý không phải mọi nơi, mọi thời điểm đều có hiệu quả. Ấy chính là nguyên nhân tạo ra những sự việc, hiện tượng gây bức xúc trong dư luận xã hội như nhà siêu mỏng, dự án "treo", môi trường bị ô nhiễm, các dự án, công trình không bảo đảm chất lượng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao hơn lãi suất trần, thuốc tân dược tăng giá bất hợp lý... Qua đó có một cụm từ liên quan thường được nhắc đến khi đề cập tới trách nhiệm của từng cơ quan chức năng và từng cá nhân thực thi nhiệm vụ, đó là "buông lỏng công tác quản lý". Nói một cách khác là năng lực, tư duy không biết cách sử dụng hiệu quả những "cây gậy" được giao hoặc tùy tiện sử dụng vào những mục đích vụ lợi. Đã có nhiều cá nhân bị truy tố trước pháp luật về tội danh "buông lỏng công tác quản lý", tuy nhiên cũng còn không ít người "bình chân như vại" làm cho nhiều căn bệnh trong xã hội trở nên nhờn thuốc. Do vậy, "cây gậy" quản lý cần được giao phó cho những người có tinh thần trách nhiệm, đủ năng lực và cần phải có cơ chế giám sát họ thực thi trách nhiệm của mình. Đây chính là loại thuốc để chữa bệnh... nhờn thuốc !
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.