(HNM) – Cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi giấy phép tổ chức biểu diễn
Hành động của cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội được cho là kiên quyết, kịp thời, ngay sau khi phát hiện Công ty TNHH Bích Ngọc tiến hành quảng cáo sai so với nội dung đã được cấp phép và có vướng mắc về việc chi trả bản quyền tác giả âm nhạc, biểu diễn ca khúc không có trong danh mục được phổ biến tại Việt Nam.
Đó là một quyết định đúng đắn, có ích. Nói vậy là bởi trong thời gian nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp ngập tràn sự phản cảm, thói tự tung tự tác, bị dư luận lên án mạnh mẽ nhưng cách thức xử lý vi phạm ở nhiều nơi thiếu cương quyết, không có tác dụng định hướng cho cả nghệ sĩ và nhà tổ chức biểu diễn. Cái sự "giơ cao đánh khẽ" khiến nhiều đơn vị biểu diễn "nhờn". Sự cố "treo đầu dê bán thịt chó" - quảng cáo chương trình biểu diễn có nhiều ca sĩ hot dù thực tế chỉ có "ca sĩ… karaoke" tham gia - đã chuyển từ vùng xa về những thành phố lớn. Nghệ sĩ lên sàn diễn, một số hết hát nhép lại khoe thân, trang phục đàng hoàng mà như chẳng mặc gì. Nhà tổ chức biểu diễn, nhất là một số thuộc diện xã hội hóa ẩn hiện như "ma", chẳng từ quảng cáo mạo danh, lừa đảo khán giả rồi giải thể, lập doanh nghiệp mới… Những sai phạm trong chương trình biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vũng Tàu chưa rõ xử lý thế nào thì lại phát sinh sai phạm mới, như mới đây là vụ ca sĩ Minh Hằng hở hang quá mức trong chương trình "Đêm mỹ nhân" ở Quảng Bình. Vụ ấy, Sở VH,TT&DL Quảng Bình phạt đơn vị tổ chức - Công ty Thương mại và Dịch vụ quảng cáo quốc tế JITA - số tiền… 3,5 triệu đồng, không phạt ca sĩ (?) mặc dù dư luận phản ứng quyết liệt, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản nhắc nhở chung các đơn vị trực thuộc, yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm (!).
Trong bối cảnh chung, quyết định thu hồi giấy phép biểu diễn của cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội có thể tạo tiền lệ tích cực trong cách thức xử lý vi phạm. Nhưng, như thế đã là đủ chưa?
"Bệnh" trong làng giải trí đã lộ nhiều chứng, chưa tới mức nan y nhưng đã là nặng, cần "thuốc" đủ độ, đủ liều, chứ phạt vài ba triệu hay nhắc nhở "suông" thì không nhằm nhò gì (!). "Thuốc" đặc trị trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng như thể thao vậy, đối với những sai phạm nặng lặp đi lặp lại thì phải rút thẻ đỏ, chấm dứt quyền hành nghề có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Phạt nặng về kinh tế đến chấm dứt hành nghề, nói văn hoa là đánh vào cần câu cơm, đặc biệt là với những tổ chức, cá nhân không còn quan tâm tới việc hành xử theo luật, không màng tới danh dự, bao giờ cũng hiệu quả hơn là "khuyên nhủ". Tức là phải cương quyết đủ mức mới mong duy trì kỷ cương, triệt hạ thói tự tung tự tác khinh nhờn dư luận, phép tắc.
Nhưng muốn rút thẻ đỏ thì các "trọng tài" phải bao quát được các tình huống nảy sinh, định hình từng lỗi. Hở da thịt mức nào thì là "phản cảm"? Váy ngắn đến đâu là "không hợp thuần phong mĩ tục"? Người ta nói "tốt phô ra, xấu xa đậy lại", nhưng nếu cái xấu, cái không phù hợp được một số trang mạng "tích cực" chuyển đến số đông thì phải làm sao?...
Một nghị định mới về tổ chức hoạt động biểu diễn đang hình thành, nhưng về lâu dài có lẽ phải xây dựng luật nghệ thuật biểu diễn đủ chặt chẽ và chi tiết để phía vi phạm không "cãi" được và đủ để bộ phận giám sát thi hành luật không thể nể nang hay mưu cầu cá nhân thông qua việc đưa ra hình thức xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.