Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuê người chăm sóc cha mẹ già yếu có phải ký hợp đồng?

19/11/2013 06:58

Cha tôi năm nay đã 80 tuổi, bị tai biến, phải nằm một chỗ. Anh em tôi đều ở xa, không tiện chăm sóc, do đó chúng tôi muốn thuê người giúp việc. Vậy xin quý báo cho biết, trong trường hợp này, chúng tôi có phải giao kết hợp đồng với người giúp việc không? Nếu có, thì hợp đồng phải bao gồm những nội dung gì?. Trần Hoàng Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Cha tôi năm nay đã 80 tuổi, bị tai biến, phải nằm một chỗ. Anh em tôi đều ở xa, không tiện chăm sóc, do đó chúng tôi muốn thuê người giúp việc. Vậy xin quý báo cho biết, trong trường hợp này, chúng tôi có phải giao kết hợp đồng với người giúp việc không? Nếu có, thì hợp đồng phải bao gồm những nội dung gì?.
Trần Hoàng Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà (Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH YouMe, ĐT: 0913.55.99.44; website: www.youme vietnam.com) trả lời:

- Việc phụng dưỡng người cao tuổi được quy định tại Điều 10, Điều 11, Luật Người cao tuổi 2009, như sau: Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi phải cùng nhau hợp tác trong việc phụng dưỡng người cao tuổi.

Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng không có điều kiện trực tiếp chăm sóc người cao tuổi thì ủy nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, nhưng phải được người cao tuổi đồng ý. Việc ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi được thực hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ giữa người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng với cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ.

Theo Điều 2, Nghị định 06/2011/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, thì: 1. Hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi giữa người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi với cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phải được lập thành văn bản. 2. Hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, phải có ý kiến đồng ý của người cao tuổi hoặc người giám hộ người cao tuổi. 3. Hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi phải có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tình trạng sức khỏe, bệnh tật của người cao tuổi; b) Thời gian chăm sóc, địa điểm chăm sóc, phương thức thực hiện chăm sóc; c) Chi phí dịch vụ, phương thức thanh toán; d) Quyền và nghĩa vụ của người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; đ) Quyền và nghĩa vụ của cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc; e) Các nội dung khác. 4. Việc ký kết, thực hiện, sửa đổi, bổ sung và chấm dứt hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi do các bên thỏa thuận và theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, căn cứ các quy định nói trên, theo các thông tin ông đã cung cấp, trường hợp gia đình ông không có điều kiện trực tiếp chăm sóc cha thì có thể ủy nhiệm cho người cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Việc ủy nhiệm này phải được giao kết bằng Hợp đồng được lập thành văn bản. Nội dung của Hợp đồng tuân theo quy định đã trích dẫn ở trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuê người chăm sóc cha mẹ già yếu có phải ký hợp đồng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.