Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực thi công vụ có trách nhiệm

Minh Thúy| 06/06/2017 05:51

(HNM) - Với sự phát triển của xã hội, tưởng rằng các dự án xây dựng trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống sẽ đủ sức mạnh “quét sạch” những điểm “chợ cóc”, chợ tạm. Song, trên thực tế, “sự thay da, đổi thịt” này đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Chợ dân sinh không chỉ đơn thuần là nơi mua - bán, trao đổi hàng hóa, mà ở đó còn phần nào thể hiện khá đầy đủ về hình ảnh xã hội thu nhỏ. Nét văn hóa, phong tục, tập quán… được bộc lộ khá rõ ở nơi này. Với một thiết chế xã hội cần thiết và quan trọng là thế, nhưng rất tiếc nhiều địa phương lại chưa chú trọng, quan tâm đúng mức, nhất là trong việc giải quyết hài hòa giữa nhu cầu giao thương, mua sắm của người dân với đòi hỏi quản lý văn minh. Khảo sát của HĐND TP Hà Nội thời gian qua cho thấy, ở nhiều địa phương hiện không có chợ dân sinh, hoặc nếu có lại quá xập xệ, xuống cấp, hoặc ở vị trí không thuận tiện. Thực trạng này khiến “chợ cóc”, chợ tạm xuất hiện ở những nơi đông dân cư; thậm chí “mọc” ngay tại những khu đô thị mới, được quy hoạch bài bản. Cho dù bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng “chợ cóc”, chợ tạm vẫn có sức hút, tấp nập người mua, kẻ bán nhờ ưu thế giá rẻ và tiện lợi. Trong khi đó, các chợ kiểu mới như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… ở vị trí đắc địa lại rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm.

Chỉ ra những khập khiễng giữa hai loại hình chợ để thấy rằng, cái gốc sinh ra chợ tạm, “chợ cóc” chính là ý thức người dân và cung cách quản lý của cơ quan chức năng.

Thực trạng “chợ cóc” xuất hiện dày đặc ở các khu dân cư cho thấy, người dân chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng, chưa thay đổi thói quen cố hữu trong giao dịch hàng hóa. Nhưng trên hết là bởi cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm được giao phó. Nếu không còn chợ tạm, “chợ cóc”, chắc chắn người bán, người mua sẽ phải vào chợ chính… Song, vì sự dễ dãi, ngại khó hay vì lợi ích nào đó mà chính quyền sở tại vẫn để cho "chợ cóc" tồn tại? Hầu như năm nào các địa phương cũng dẹp “chợ cóc”, chợ tạm. Và lần nào cũng ra quân rầm rộ, báo cáo kết quả tích cực… Nhưng chỉ "dăm bữa, nửa tháng" "chợ cóc" lại tái họp.

Vậy, việc xóa triệt để "chợ cóc", chợ tạm ở những địa phương đã có chợ dân sinh có khó không? Chắc chắn sẽ khó nếu chính quyền sở tại không kiên quyết, không dám nhận trách nhiệm.

Trong thời gian qua, sự vào cuộc không khoan nhượng của các cấp chính quyền để xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã mang lại kết quả khả quan. Trong đó, việc quy trách nhiệm cho cán bộ, người đứng đầu là nhân tố quan trọng, trực tiếp làm nên sự chuyển biến đáng mừng. Vì thế, mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện giải tỏa “chợ cóc” gắn với kế hoạch bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè. Đặc biệt, không vì lợi ích của một nhóm người mà làm ảnh hưởng đến quyết tâm xây dựng thành phố sạch, đẹp, phát triển thương mại văn minh, hiện đại. Không còn lý do gì để việc xóa những "điểm đen" chợ tạm, "chợ cóc" lại rơi vào cảnh "bắt cóc bỏ đĩa".

Để thực hiện sự chỉ đạo này, bên cạnh những nhiệm vụ vĩ mô như lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng, sửa chữa chợ phù hợp với đặc thù từng địa phương và bền bỉ tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, thì việc thực thi công vụ có trách nhiệm là việc có thể làm ngay. Để có một không gian sống xanh - sạch - đẹp, văn minh - trách nhiệm không là của riêng ai, mà rất cần sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Giải bài toán chợ tạm, chợ "cóc" một cách căn cơ cũng không ngoài quy luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi công vụ có trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.