Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện tốt từ mỗi gia đình

Thế Đan| 18/04/2020 06:28

(HNM) - Hằng năm, số vụ cháy nổ trong các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong quý I-2020, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự khi 50% vụ cháy trên toàn thành phố xảy ra ở địa bàn khu dân cư.

Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu bắt nguồn từ việc sử dụng điện, gas tại nhiều gia đình không bảo đảm an toàn, nhất là khi nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh trong thời điểm người dân phải ở nhà để thực hiện cách ly xã hội. Chỉ một việc tưởng chừng rất đơn giản như sau khi thắp hương, nến, đốt vàng mã không giám sát; sử dụng thiết bị điện quá tải; tự tiện đấu nối nguồn... cũng có thể gây cháy. Ngoài ra, hiện tượng một số hộ gia đình khi thấy giá xăng, dầu giảm mạnh đã mua tích trữ cũng khiến “bà hỏa” có thể hỏi thăm bất cứ lúc nào.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, trước hết, các cơ quan chức năng ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở người dân thực hiện các yêu cầu bảo đảm phòng, chống cháy nổ. Trong đó, lực lượng nòng cốt - Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để có những biện pháp tuyên truyền sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu về các thông tin, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy để người dân ý thức được sự nguy hiểm của cháy nổ mà tự giác thực hiện.

Nhiệm vụ tiếp theo là nắm chắc địa bàn, giải tỏa kịp thời tình trạng lấn chiếm ngõ, ngách trong khu dân cư để bảo đảm mỹ quan đô thị nói chung và khả năng tiếp cận hiện trường vụ cháy khi có sự cố nói riêng. Đi kèm với đó là tăng cường kiểm tra, rà soát về phòng cháy tại các khu chung cư. Nếu phát hiện hiện tượng vi phạm, phải kiên quyết xử lý và yêu cầu khắc phục ngay.

Cùng với đó là nghiên cứu, mở rộng mô hình “Liên gia tự quản phòng, chống tội phạm” có thêm nội dung phòng, chống cháy nổ theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Kinh nghiệm trong phòng, chống cháy nổ cho thấy, công tác ứng phó ban đầu nếu được thực hiện triệt để sẽ giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại có thể xảy ra.

Đối với mỗi người dân, bên cạnh việc nâng cao ý thức về phòng, chống cháy nổ phải có những việc làm, hành động cụ thể. Hiện nay, nhà ở do người dân thường tự xây dựng mà hầu hết đều bỏ qua công đoạn thiết kế hệ thống đường điện bảo đảm an toàn và hệ thống phòng cháy, chữa cháy do sợ tốn kém chi phí. Hay như tình trạng xây nhà ống không có lối thoát hiểm, không bố trí bình chữa cháy và khu vực tầng tum thường được hàn kín, không có sự liên thông với nhà liền kề để phòng sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Trong khi đó, các khu tập thể, chung cư cũ thì nhiều nơi người dân tự ý cơi nới diện tích sử dụng, hình thành “chuồng cọp”, nên khi hỏa hoạn xảy ra, rất khó cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận sớm hiện trường. Thực trạng này đòi hỏi khi thiết kế nhà ở, người dân cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề phòng, chống cháy nổ để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như đã từng xảy ra ở nhiều nơi.

Ngoài ra, trong sử dụng điện, gas, xăng dầu, đốt vàng mã…, các gia đình cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phụ trách địa bàn. Mỗi gia đình cũng có thể trang bị trong nhà bình cứu hỏa, thang dây và kỹ năng thoát hiểm phòng khi có bất trắc…

Hỏa hoạn là điều không ai muốn và luôn xảy ra bất ngờ. Hậu quả của hỏa hoạn thường để lại những thiệt hại lớn về tài sản và con người. Để chủ động ngăn chặn, người dân cần thay đổi từ nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy từ chính mỗi gia đình, bảo đảm an toàn cho người thân và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tốt từ mỗi gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.