Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới: Huy động nguồn lực để tạo vốn đầu tư

Nguyễn Mai 30/06/2023 - 07:45

Từ năm 2021 đến nay, thành phố Hà Nội đã huy động được hơn 46 nghìn tỷ đồng đầu tư thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng các tiêu chí ngày càng cao trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã ngoài việc bố trí vốn ngân sách, còn đa dạng hình thức xã hội hóa, khai thác được lợi thế của từng địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới.

he-thong-duong-giao-thong-t.jpg
Hệ thống đường giao thông tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) được đầu tư nâng cấp, trải nhựa.

Khởi sắc bộ mặt nông thôn mới

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Thọ Xuân và nhiều xã khác của huyện Đan Phượng đã có nhiều đổi thay.

Điều dễ nhận thấy nhất đối với vùng quê ven đô này, đó là hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp, trải nhựa, cứng hóa bê tông rộng rãi, khang trang; hệ thống ao, hồ được kè cứng trở thành những khuôn viên nhỏ, vừa làm đẹp cho xã, vừa là nơi vui chơi, thư giãn của người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, để có được kết quả đó, địa phương đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn...

Không riêng huyện Đan Phượng, nhờ nguồn vốn đầu tư lớn, hạ tầng nông thôn ở nhiều huyện của thành phố Hà Nội đã có những đổi thay nhanh chóng. Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (XVII), toàn thành phố đã huy động được 46.778 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố là 22.129 tỷ đồng, chiếm 47,3%; ngân sách huyện hơn 19.951 tỷ đồng, chiếm 42,7%; ngân sách xã hơn 1.955 tỷ đồng, chiếm 4,2%. Ngoài vốn ngân sách, Hà Nội cũng đã huy động được hơn 2.741 tỷ đồng vốn xã hội hóa do người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... đóng góp, chiếm 5,8% tổng nguồn vốn.

Để có thêm nguồn lực, thành phố Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, vận động các quận hỗ trợ huyện, thị xã xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, có 9 quận hỗ trợ các huyện 469,5 tỷ đồng và năm 2022, có 5 quận hỗ trợ các huyện 142,5 tỷ đồng để thực hiện những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế...

Nguồn lực đầu tư lớn đã góp phần quan trọng thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2023, tất cả các huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, thành phố còn có 111 xã nông thôn mới nâng cao (lũy kế đến hết năm 2023 dự kiến có 172 xã đạt nông thôn mới nâng cao); 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu (lũy kế đến hết năm 2023 dự kiến có 53 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu).

Cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí

Bà Trần Thị Hương, Cụm trưởng cụm dân cư số 7, xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) cho biết, cụm đã huy động được nguồn xã hội hóa rất lớn để xây dựng quê hương.

Điển hình như năm 2022, địa phương triển khai mở rộng tuyến đường Cổ Bồng dài 1.000m (trong đó đoạn qua cụm dân cư số 7 là 500m). Khi triển khai tuyến đường này, 54 hộ dân của cụm dân cư số 7 đã tự giác hiến đất, lùi vào 1m để mở rộng đường, ô tô qua lại dễ dàng. “Kinh nghiệm của địa phương, đó là tuyên truyền, vận động tốt. Người dân hiểu, nên tự giác tham gia. Các khoản đóng góp phải công khai, minh bạch để người dân tin tưởng”, bà Hương nói.

Còn theo Bí thư Chi bộ thôn An Hiền (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) Trần Quang Huy, xác định nguồn xã hội hóa là động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, mỗi người dân trong thôn An Hiền luôn ý thức rằng, bản thân là chủ thể trong phong trào này. Nhân dân trong thôn đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng cải tạo nghĩa trang nhân dân; hiến đất làm sân vận động; đặt hơn 100 bồn hoa giấy tại các trục đường chính... Bên cạnh đóng góp tiền của, ngày công, người dân còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường, duy trì lịch tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, các tuyến đường tự quản vào các ngày cuối tuần, góp phần xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp...

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, những năm qua, thành phố luôn ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho nông thôn mới. Cùng với đó là huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm những công trình thiết yếu về hạ tầng... Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với tiềm năng, lợi thế trong huy động vốn cho nông thôn mới.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều huyện kiến nghị thành phố vận động các quận nội thành quan tâm và hỗ trợ kinh phí, giúp các huyện, thị xã nâng cao chất lượng tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện đang thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí để lên quận, nên rất cần thành phố quan tâm, rà soát đưa vào kế hoạch và sớm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông quan trọng, có tính kết nối giữa huyện Đông Anh với các tuyến quốc lộ, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới: Huy động nguồn lực để tạo vốn đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.