(HNMO) - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 15-11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được các cơ quan chức năng thành phố quan tâm. Nhờ đó, khoảng cách chênh lệch về giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - thông tin… ngày càng được rút ngắn.
Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, việc thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới ở thành phố gặp không ít khó khăn, thách thức, như: Bảo đảm việc làm, điều kiện sống, sinh hoạt và các chính sách an sinh xã hội khác đối với nhóm lao động di cư; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp…
Khẳng định việc thực hiện các mục tiêu vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là giải pháp quan trọng góp phần đưa kinh tế - xã hội của Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý kêu gọi chấm dứt mọi hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Sau lễ phát động này, các đơn vị, địa phương cần tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái theo hướng thiết thực, hiệu quả, ưu tiên tuyên truyền ở khu vực nông thôn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tiếp tục triển khai sâu rộng đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 trên địa bàn thành phố”; chủ động huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với nạn nhân, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi xâm hại…
Những năm qua, việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới của thành phố đạt kết quả khả quan, được thể hiện qua những con số cụ thể. Đó là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 là 12%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 của thành phố là 30%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 là 23,8%, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiếp cận với dịch vụ y tế đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt khoảng 50%; tỷ lệ lao động nữ nông thôn qua đào tạo nghề đạt khoảng 60%...
Đặc biệt, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng được hơn 1.600 mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.