(HNMO) - Đường Vành đai 3 là tuyến giao thông huyết mạch, không chỉ liên kết thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An mà còn giải quyết bài toán kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng.
Đây là quan điểm được cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 2-12 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong phần tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đề xuất một số vấn đề về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để thúc đẩy dự án triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.
Cụ thể, ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật, một cơ chế thông thoáng là không thể thiếu. Trước hết và quan trọng nhất là cơ chế để giải phóng mặt bằng, trong đó, cần cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3.
Còn theo diễn giả Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, các khu đô thị, khu kinh tế dọc các tuyến đường giao thông trọng điểm, đường vành đai khi được quy hoạch, hoàn tất và kết nối với nhau sẽ tăng thu hút đầu tư, kết nối vùng, giảm chi phí logistics…, tạo động lực cho kinh tế - xã hội toàn vùng phát triển.
Trong phiên thảo luận về dự án Vành đai 3, các diễn giả đã thảo luận xoay quanh các vấn đề như quy hoạch kết nối các đô thị vệ tinh, hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, quy hoạch đồng bộ mạng lưới khu công nghiệp, khu dân cư; khai thác nguồn tài nguyên liên quan; đặc biệt đề xuất các chính sách tài chính đất đai; các địa phương chia sẻ về những khó khăn cần tháo gỡ…
Về phía sở, ngành nhà nước liên quan, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, hiện tại các địa phương của thành phố đang tập trung triển khai các công việc tiếp theo phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, điều tra xã hội học, tìm hiểu nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án...; phấn đấu sẽ là dự án kiểu mẫu về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tổ chức triển khai thi công.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dự kiến tháng 12 này, thành phố sẽ phê duyệt dự án đầu tư. Sau khi được phê duyệt, dự án sẽ triển khai 3 nhóm công việc chính, gồm: Chuẩn bị thiết kế, dự toán, bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu và khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 6-2023. Dự kiến tháng 6-2023, bồi thường xong 70% đất trong dự án và hoàn thành bàn giao mặt bằng vào tháng 12-2023.
Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An triển khai đồng bộ thiết kế kỹ thuật cũng như đáp ứng tổng tiến độ chung mà Thủ tướng Chính phủ đã giao theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP.
Về phía lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường cho hay, hiện nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo triển khai dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 trên địa bàn thành phố theo kế hoạch, để kịp khởi công dự án vào tháng 6-2023.
Việc hoàn thành dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh sẽ mang đến sự thay đổi đột phá về cục diện giao thông, góp phần tháo gỡ 3 điểm nghẽn đã tồn tại hàng chục năm qua trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đó là nghẽn về giao thông, nghẽn về không gian phát triển và nghẽn về động lực, nguồn lực phát triển. Do đó, đường Vành đai 3 cần được đầu tư sớm và là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thời gian tới.
Dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An; được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án giai đoạn năm 2022-2027.
Trong đó, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h; đường song hành hai bên, cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Quy mô giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) là 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên, đầu tư không liên tục.
Trước đó, tháng 6-2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Vành đai 3, là tuyến giao thông huyết mạch, không chỉ liên kết 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, mà còn giải quyết bài toán kết nối liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.