Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại

Hoàng Khuê| 26/03/2017 07:11

(HNM) - Hôm qua (25-3), Diễn đàn Châu Á Bác Ngao 2017 (BFA 2017) chính thức khai mạc tại Bác Ngao - thị trấn duyên hải của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), với sự tham dự của hơn 1.700 đại biểu, trong đó có 6 lãnh đạo quốc gia, 82 quan chức tổ chức quốc tế, giới học giả có uy tín và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.


BFA 2017 hướng tới mục tiêu tăng cường hội nhập, phát huy vai trò của Châu Á trong việc thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển.


Với chủ đề “Tương lai của toàn cầu hóa và thương mại tự do”, BFA 2017 có 65 hoạt động chính thức, gồm 44 phiên thảo luận, 17 hội nghị bàn tròn, 12 cuộc đối thoại với các nhà khởi nghiệp và 2 hội nghị chuyên đề. Những cuộc thảo luận sẽ xoay quanh 4 nội dung chính: toàn cầu hóa, tăng trưởng, cải cách, kinh tế mới. Theo đó, các đại biểu tham gia Diễn đàn sẽ cùng nhau tìm kiếm cách thức để các nền kinh tế phát triển và đang phát triển thích nghi với toàn cầu hóa. Nội dung này thể hiện rõ nhận thức của các nhà lãnh đạo Châu Á trong bối cảnh đàm phán về thương mại toàn cầu bị đình trệ, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt từ các nước phát triển ngày một gia tăng.

Cùng với đó, làn sóng dân túy, quay lưng với liên kết khu vực và hợp tác kinh tế có xu hướng trở thành một trào lưu ở Châu Âu và Mỹ. Do vậy, thông qua BFA 2017, Trung Quốc thể hiện mong muốn giữ vai trò tiên phong trong tiến trình thúc đẩy hợp tác toàn cầu và thương mại tự do. Tổng Thư ký Diễn đàn Bác Ngao Chu Văn Trọng cho rằng, toàn cầu hóa kinh tế là yêu cầu khách quan của phát triển sức sản xuất xã hội và là kết quả tất yếu của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong nhiều thập kỷ qua, toàn cầu hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như đẩy mạnh tiến trình xóa đói giảm nghèo và việc chống lại xu thế này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của thế giới.

Với sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng địa chính trị lớn, Trung Quốc được nhìn nhận như một nhân tố chính trong giữ ổn định kinh tế thế giới thời gian tới. Dù đang đối mặt với nhiều thách thức và những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế “hạ cánh cứng”, quốc gia đông dân nhất thế giới đang tìm cách vươn lên, khẳng định vai trò của một cường quốc hàng đầu thế giới. Tại lễ khai mạc BFA 2017, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ khẳng định, Trung Quốc sẽ đi sâu cải cách nguồn cung, đẩy mạnh điều chỉnh kết cấu, kiên trì chiến lược đối ngoại rộng mở, ủng hộ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước năm 2017. Mặt khác, Bắc Kinh cũng sẽ chú trọng củng cố quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực ASEAN và Đông Á (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc), tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác sẵn có, đồng thời cùng nhau định hướng cho phát triển mở rộng.

Được thành lập năm 2001, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua tăng cường hội nhập kinh tế cũng như thương mại và đầu tư, đến nay Diễn đàn Châu Á Bác Ngao đã trở thành sự kiện đối thoại thường niên quan trọng giữa các nhà lãnh đạo, học giả và giới doanh nghiệp về nhiều lĩnh vực của Châu Á. Với việc đóng góp khoảng 50% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kể từ khủng hoảng tài chính tiền tệ tới nay, Châu Á được xem là đầu tàu đưa kinh tế thế giới phục hồi. Dù thế giới có nhiều biến động trong năm qua, nhưng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế khu vực không chịu nhiều ảnh hưởng. Thứ tự xếp hạng về năng lực cạnh tranh tổng hợp tương đối ổn định với ba vị trí dẫn đầu lần lượt là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Đến nay Châu Á vẫn xác định việc tăng cường hợp tác và hội nhập là con đường chủ đạo giúp các quốc gia trong châu lục hoàn thành các mục tiêu phát triển, và Diễn đàn Bác Ngao là một nền tảng để thảo luận về hành trình này. Vì vậy, BFA 2017 là cơ hội quan trọng để các quốc gia Châu Á tìm thấy phương thức mới quản lý thể chế kinh tế và tài chính, đồng thời tìm ra động lực cho sự phát triển của châu lục. Đây cũng sẽ là thời điểm thích hợp để các bên xác định phương hướng giải quyết những vấn đề còn tồn tại, hướng tới một mục tiêu chung là phát huy vai trò của Châu Á trong việc thúc đẩy kinh tế thế giới tiến lên phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy toàn cầu hóa và tự do thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.