Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Bắc Vũ| 19/08/2022 06:31

(HNM) - Phát biểu tại sự kiện “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA - 2022” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 17-8 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu của thực tiễn.

Muốn vậy, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo; gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên”. Nhân sự kiện này, Thủ tướng cũng nhắn nhủ các sinh viên, cần có góc nhìn mới về khởi nghiệp. Khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ điều lớn lao, mà có thể là ý tưởng giải quyết vấn đề thường nhật.

Lời nhắn gửi của người đứng đầu Chính phủ chính là niềm hy vọng, niềm tin lớn lao đặt vào thế hệ trẻ với tương lai phát triển đất nước, được bắt đầu bằng công cuộc khởi nghiệp của mỗi học sinh, sinh viên.

Thể hiện niềm tin ấy, thời gian qua, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn bám sát và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhu cầu khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Nổi bật là Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”... Nhờ vậy, phong trào khởi nghiệp trong tầng lớp thanh niên đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hiện, trên cả nước có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp; 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Tuổi trẻ luôn là khởi đầu cho những hành trình mới, khát vọng mới và khởi nghiệp chính là dấu mốc cho sự khởi đầu ấy… Với những điều kiện thuận lợi đã và đang có, học sinh, sinh viên cần xác định hoài bão, lý tưởng; trang bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng chuyên môn và xã hội để tạo nền tảng vững chắc cho hành trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học, học viện cần phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Song song, cần chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn.

Cộng đồng doanh nghiệp cần gắn kết chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục bậc đại học, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, hỗ trợ ươm mầm sáng tạo và nghiên cứu khoa học, tạo môi trường cho sinh viên cọ xát thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Các bộ, ngành chức năng và địa phương cần tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế để có cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, giảng viên và sinh viên; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế…

Bằng sức trẻ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, thành công sẽ đến với ai dấn thân bằng đam mê và sáng tạo, với tinh thần tận hiến cho cộng đồng, chinh phục những đỉnh cao mà người khác chưa với tới. Đây cũng là con đường để tạo ra giá trị cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.