Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy sản xuất rau, củ, quả an toàn

Tùng Sơn| 08/05/2019 07:21

(HNM) - Trong những năm qua, bằng nhiều nỗ lực, nông dân Hà Nội đã hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, góp phần thúc đẩy sản xuất rau, củ, quả an toàn, bảo vệ môi trường.

Thu hoạch rau an toàn tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền


Theo số liệu điều tra của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội, lượng thuốc bảo vệ thực vật được nông dân trên địa bàn thành phố sử dụng trên cây trồng qua các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 tương ứng là 251, 287, 316, 265 và 362 tấn, thấp hơn so với trung bình cả nước. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho 1ha sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chỉ từ 1,6 đến 2kg, trong khi trung bình toàn quốc là 10kg/ha, cao gấp 5-6 lần Hà Nội. Tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học của nông dân Hà Nội trong phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng khoảng 60%...

Ông Nguyễn Danh Sửu, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì) đang canh tác 4,5 sào rau an toàn chia sẻ: "So với 8 năm trước đây, hiện gia đình tôi đã giảm tới 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, do đó không chỉ chất lượng rau an toàn được nâng lên mà môi trường xung quanh cũng tốt hơn". Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh (xã Tân Minh, huyện Thường Tín) khẳng định: "Thời gian dài, các loại tôm, cua, cá trên đồng ruộng ít hẳn do nông dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Nhưng nay, nhờ áp dụng phương pháp canh tác mới, nông dân sử dụng phân ủ hoai mục, kết hợp với luân canh các loại cây trồng phù hợp nên sâu bệnh hại trên cây trồng giảm; nông dân ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trong trường hợp phải sử dụng, bà con đều dùng thuốc thảo mộc, nhờ đó các loại tôm, cua, cá lại xuất hiện nhiều trên đồng ruộng như cách đây mấy chục năm...".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội), hiện nay, ngành bảo vệ thực vật đang đứng trước tình hình mới do phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp có thể làm sinh vật gây hại gia tăng và yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng cao. Để giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, tạo nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Đơn cử, từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra 715 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, lấy 84 mẫu thuốc lưu thông trên thị trường để kiểm định chất lượng. Kết quả đã phát hiện 5 trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, 1 trường hợp buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; 6 trường hợp buôn bán thuốc kém chất lượng và phát hiện 1 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng...

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội cũng chỉ đạo, hướng dẫn các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật và nhân viên trồng trọt - bảo vệ thực vật cấp xã cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách), bảo đảm thời gian cách ly. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội cũng đã tổ chức ký cam kết đối với các hộ sản xuất rau, quả, chè thực hiện đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất. Đến nay, 24 quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã triển khai ký cam kết với 48.942 hộ sản xuất rau và 2.724 hộ trồng chè về sản xuất nông sản an toàn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy sản xuất rau, củ, quả an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.