Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy hoạt động sáng tạo

Quỳnh Anh| 18/07/2021 06:04

(HNM) - Gần đây, tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Trên nền tảng số có nhiều ca sĩ ngang nhiên sử dụng, hát lại tác phẩm mà không xin phép, trả bản quyền tác giả; hay nhiều ca khúc vừa mới ra đời đã xuất hiện ngay trên trang nghe nhạc trực tuyến, không có bản quyền…

Điều này không chỉ khiến công chúng bức xúc mà còn gây thiệt thòi về vật chất, ảnh hưởng đến tinh thần, sức sáng tạo nghệ thuật của các nhạc sĩ.

Thực tế, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc không chỉ là thách thức của riêng một quốc gia nào. Ở nước ta, môi trường internet phát triển nhanh nên tần suất các vụ xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ngày càng nhiều, với những chiêu trò, thủ đoạn hết sức tinh vi. Điển hình là nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhạc sĩ bất cẩn, thiếu thận trọng khi giao dịch, thỏa thuận, cũng như không nắm rõ các điều khoản, thuật ngữ pháp lý để lập nên những hợp đồng có nội dung vô hiệu hóa quyền sở hữu, quyền kiểm soát của chính tác giả trên nền tảng số…

Tình trạng vi phạm quyền tác giả âm nhạc không những gây thiệt hại cho chủ sở hữu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong bối cảnh nước ta đã ký kết gia nhập nhiều hiệp định, điều ước quốc tế về bản quyền tác giả. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vị trí, quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền tác giả; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát trên môi trường internet, ngăn chặn các đường dẫn, website vi phạm, xử phạt nghiêm các trường hợp xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Một việc làm quan trọng nữa là các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, có những biện pháp hỗ trợ và khuyến khích chủ sở hữu quyền tác giả lên tiếng đòi công bằng khi bản quyền bị xâm phạm. Bên cạnh đó là tiếp tục tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp luật, có chế tài đủ mạnh, tạo công cụ quản lý hiệu quả quyền tác giả, nhất là trên nền tảng số, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sáng tạo, thụ hưởng âm nhạc… Tin mừng là ngày càng có nhiều tổ chức tham gia vào việc bảo vệ quyền tác giả. Gần đây nhất, ngày 17-4 vừa qua, Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam đã được thành lập. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hiệp hội sẽ mang lại niềm tin, tạo động lực thúc đẩy sáng tạo cho các nhạc sĩ.

Để bảo vệ quyền tác giả, bên cạnh sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý, hiệp hội nghề nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội thì còn cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực của chính người sáng tác. Với tư cách là chủ thể sáng tạo tác phẩm, các nhạc sĩ phải là người chủ động đứng ra bảo vệ tác phẩm của mình, kiên quyết đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trong đó cần đặc biệt quan tâm tới việc đăng ký bản quyền tác phẩm, lấy đó làm cơ sở pháp lý cho mọi tranh chấp bản quyền (nếu có)... Trường hợp có nhu cầu chuyển giao bản quyền, nhạc sĩ cần nghiên cứu kỹ, rà soát hợp đồng trước khi ký để không ảnh hưởng tới quyền lợi của chính mình.

Thực hiện tốt việc bảo vệ quyền tác giả sẽ tạo động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo âm nhạc; hình thành nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển văn minh hơn. Đó cũng là nền tảng để Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thực hiện thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hoạt động sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.