Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy cơ chế mới ổn định Biển Đông

Quang Huy| 13/03/2016 06:54

(HNM) - Việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nội dung được các học giả trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm tại hội thảo

Căng thẳng trên Biển Đông là một nội dung được các đại biểu tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm.


Bảo đảm hòa bình trên Biển Đông

Hội thảo do Học viện Ngoại giao và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 80 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế từ các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước. Đánh giá về diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, Giáo sư Carl Thayer, Trường Đại học New South Wales (Học viện Quốc phòng Australia) nhấn mạnh: Trong hai năm qua, Trung Quốc đã tiến hành quá trình xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hóa các khu vực này bằng cách thiết lập căn cứ quân sự và điều máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không HQ-9… Những hành động phi pháp trên của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa đến hòa bình và ổn định của khu vực.

Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hoạt động trái pháp luật tại Biển Đông. Thậm chí, một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài cho biết, Trung Quốc còn xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm - đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer cho rằng, việc Tòa án trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, cuộc bầu cử tại Phillipines trong tháng 5 tới, Mỹ ngày càng cứng rắn hơn trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông và cuộc bầu cử ở Mỹ trong tháng 11 tới là những yếu tố có thể khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hơn.

Khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN

Vậy ASEAN cần làm gì để khẳng định vai trò trung tâm cũng như giải quyết các thách thức an ninh khu vực? Giáo sư Carl Thayer cho rằng ASEAN phải cùng nhau làm rõ nội hàm của thuật ngữ "quân sự hóa", để từ đó đánh giá những lời biện minh mà Trung Quốc đưa ra. Theo Giáo sư Carl Thayer, sáng kiến minh bạch hàng hải rất quan trọng và Việt Nam có thể sử dụng kênh này để nêu các vấn đề của mình trong tranh chấp Biển Đông. Bên cạnh đó, ASEAN cần nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), và tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tuy nhiên, nếu COC được ký kết, các nước ASEAN cần xem có thực hiện được trên thực tế hay không.

Đồng tình với quan điểm của Giáo sư Carl Thayer, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao, TS Trần Việt Thái nhận định, để giải quyết các bất đồng về Biển Đông, ASEAN cần tăng cường các hoạt động thông qua đối thoại, đẩy mạnh thực thi DOC, sớm xây dựng COC và mở ra các cơ chế hợp tác khác, thúc đẩy sự tương đồng về lợi ích, đặc biệt là kinh tế thương mại. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN giai đoạn 2016-2020 sẽ tạo ra nhiều dự án mới, giúp ASEAN xây dựng các cơ chế thực thi pháp luật trên biển. Từ đó, các nước thành viên sẽ có năng lực tốt hơn trong việc giám sát, đối phó với các tình huống bất thường. Điều này rất có lợi cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, những tranh chấp trên Biển Đông sẽ chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Điều quan trọng là ASEAN cần nỗ lực hơn nữa nhằm khẳng định vị thế cũng như vai trò trong thúc đẩy các cơ chế đa phương, đẩy mạnh thực thi DOC và tiến tới xây dựng COC cũng như tìm các cơ chế mới để giải quyết các tranh chấp trong khu vực, đặc biệt trên Biển Đông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy cơ chế mới ổn định Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.