(HNM) - Từ năm 2013 đến nay, nhờ việc thành lập thư viện, phong trào đọc sách của bà con cụm dân cư 12 (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân) phát triển mạnh mẽ.
Ngôi làng chỉ thiếu lũy tre…
Bà Nguyễn Thanh Hà (66 tuổi) bảo, cụm dân cư 12 - nơi bà đang sống như một ngôi làng chỉ thiếu lũy tre xanh. Bà kể: "Ở đây, trẻ con lễ phép, gặp ai lớn tuổi cũng chào. Mọi người đều hiền lành, thân thiện sống quây quần như người thân thiết". Là bộ đội thông tin về hưu, bà Nguyễn Thanh Hà vẫn giữ trọn đam mê và nhiệt huyết với các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, chục năm nay, cả hai vợ chồng bà đều bị tai biến, đau ốm liên miên, đi lại đều khó khăn.
Trước đây, vợ chồng bà sống ở Phường Bưởi (Cầu Giấy), nhưng 6 năm nay, gia đình chuyển hẳn về cụm dân cư 12, phường Thanh Xuân Trung sống. Từ khi về đây, bà bỗng yêu nơi này một cách kỳ lạ. Yêu rồi, bà Hà lại càng muốn làm gì đó để nơi đây đẹp hơn, mọi người gắn bó yêu quý nhau hơn. Nhưng người phụ nữ 66 tuổi đã qua một lần bị tai biến lại thấy bứt rứt với những mong ước của mình. Bà đi lại cũng khó khăn nói gì đến hoạt động xã hội. Nhìn các ông, các bà trong hội người cao tuổi (NCT) của khu tích cực tham gia hết phong trào đoàn thể này đến hoạt động thiện nguyện khác, bà Hà lại càng không yên.
Người dân đến thư viện đọc, mượn sách. |
Đôi lúc, bà Hà cảm thấy tự ti với mọi người. Bà cứ day dứt mãi với mong muốn được cống hiến, được hòa mình vào những hoạt động xã hội đầy ý nghĩa mà những người bạn của mình đang tích cực tham gia. Nhiều đêm trằn trọc, bà nhớ đến một người bạn ở quận Gia Lâm, từng công tác cùng cơ quan với bà đã kêu gọi bà con trong khu dân cư xây dựng thư viện. Nhờ có người bạn ấy của bà Hà, phong trào đọc sách của mọi người trong khu đã phát triển hơn hẳn. Bà nghĩ: "Mình không có sức khỏe, không thể đi nhiều nơi, làm nhiều việc như những người khác nhưng nếu mình kêu gọi bà con mở thư viện nghĩa là mình cũng có thể giúp đỡ được mọi người". Bà hào hứng với ý nghĩ đó và học tập cách làm của người bạn. Cuối cùng, bà cũng tìm ra một con đường "cống hiến" phù hợp với sức khỏe của mình.
Đầu năm 2013, bà Nguyễn Thanh Hà mang ý tưởng thành lập thư viện trình bày tại cuộc họp BCH hội người cao tuổi của cụm. Sau một hồi bàn luận sôi nổi, ý tưởng của bà Hà đã được thông qua. Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, khi ấy là Tổ phó tổ 48 (thuộc cụm dân cư 12), nhận định: "Bà Hà ốm đau, đi lại khó khăn nhưng vẫn mong muốn đóng góp cho nhân dân trong cụm như vậy là rất quý. Chỉ có những người có tâm huyết, có lòng mới được như vậy. Chúng ta sẽ cùng kêu gọi bà con trong khu ủng hộ, đóng góp để thành lập thư viện".
Sau cuộc họp hôm đó, các ông, các bà trong Chi hội NCT tích cực hô hào, kêu gọi bà con trong cụm ủng hộ sách báo thành lập thư viện. Mọi người cùng ngồi lại lên ý tưởng xây dựng thư viện. Các ông bà đều tâm đắc với gợi ý của bà Nguyễn Thị Huyền Nhung (số nhà 12, dãy N1): "Chúng ta phải bố trí tủ sách thư viện như một tủ sách gia đình để mọi người đến đọc đều có cảm giác gần gũi, thân thiện như về nhà". Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 6-2013, thư viện cụm dân cư 12 được thành lập với khoảng 500 đầu sách và một số báo như Hànộimới, Thanh Niên, Người cao tuổi, Công an nhân dân...
Ngay sau khi được thành lập, bà Nguyễn Thanh Hà lại đứng ra nhận trông coi thư viện của cụm. Mặc dù, để đi đến thư viện, bà Hà luôn phải mang gậy chống làm bạn đồng hành. Các ông bà khác trong chi hội NCT rảnh rỗi đều đến cùng bà Hà sắp xếp sách báo. Bà Hoàng Thị Vĩnh (72 tuổi, số nhà 10, dãy L2) chờ bà Hà ghi chép tên sách được ủng hộ xong, nhanh tay mang dấu thư viện ra đóng.
Hết giờ mở cửa thư viện, bà Ngô Thị Xuân (61 tuổi, số nhà 8, dãy N4) tất bật phụ bà Hà xếp lại sách báo. Thỉnh thoảng, bà Bích Hạnh và bà Xuân cũng mang quà đến cho bà Hà. Có khi chỉ là một cốc nước chè mát hay là vài cái bánh các bà đi lộc chùa về nhưng ai cũng thấy vui vẻ. Mọi người trong cụm nhờ có thư viện trở nên thân thiết hơn hẳn. Các bà trong chi hội NCT không chỉ thường xuyên đến thư viện nói chuyện với bà, mỗi sáng còn "kéo" bà Hà đi thể dục. Bà Hà cởi mở, vui vẻ hơn vì được gặp gỡ, giao lưu với mọi người. Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cười bảo: "Từ ngày bà Hà trông coi thư viện này, tôi thấy bà ấy lại béo khỏe, hoạt bát hơn bao nhiêu. Bây giờ, bà ấy còn đi lại được chứ đợt trước ông bà cứ luẩn quẩn trong nhà, ốm là phải!".
Cụm dân cư ham đọc sách
Tìm đến thư viện cụm dân cư 12, phường Thanh Xuân Trung mới thấy phong trào đọc sách nơi đây lớn mạnh như thế nào. Từ khi thành lập thư viện, dù chỉ mở cửa vào hai ngày thứ năm và chủ nhật hằng tuần nhưng nơi đây lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Việc đầu tiên bà Hà làm sau khi mở cửa là mang tấm biển ghi rõ lịch hoạt động của thư viện, các sách báo mới có và dòng chữ "đọc miễn phí" đặt ngay trước cửa.
Các cháu nhỏ đến đọc sách báo đều ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi và tỏ ra ham thích sách. Chúng lần lượt xếp hàng theo thứ tự để được mượn sách và thường trả sách đúng quy định. Tất cả những ai mượn sách, đọc sách tại thư viện đều được bà Hà ghi chép cẩn thận. Bà thống kê, mỗi ngày có đến chục lượt người đến đọc và mượn sách tại thư viện. Sau hơn 2 năm hoạt động, đến nay, thư viện của cụm dân cư 12 đã có hơn 3 nghìn đầu sách và hơn chục đầu báo. Các sách, báo đều do bà con trong khu mang đến tặng thư viện. Một số sách quý được bà con cho thư viện mượn với mong muốn chia sẻ kiến thức với mọi người. Năm 2014, thư viện của cụm có 3 tủ sách, một bàn đọc báo, chỉ tính từ 7-6-2013 đến 4-6-2014, có đến 510 lượt bạn đọc và có tới 1.515 cuốn sách được người dân trong cụm mượn về đọc.
Vừa cố gắng xây dựng không gian đọc gần gũi cho bà con trong cụm, bà Hà còn nghĩ cách khuyến khích mọi người chăm chỉ đọc sách hơn. Ai mượn sách nào, đọc sách nào, bà Hà đều ghi chép lại cẩn thận. Mỗi năm, sau khi thống kê danh sách người mượn và đọc sách, bà Hà lại chọn ra 4 người (2 người lớn, 2 trẻ em) trong cụm để trao thưởng. Những người được trao thưởng sẽ là những người đọc sách nhiều nhất và có tinh thần ủng hộ sách báo cho thư viện. Bà Ngô Thị Xuân đã 2 năm liền được bình chọn là người đọc sách nhiều nhất cụm. Bà Xuân bảo: "Nhờ chăm chỉ đọc sách mà tôi ngủ ngon hơn, tinh thần thoải mái hơn và cũng hiểu biết hơn rất nhiều".
Không chỉ có sách, báo giúp bà con trong cụm nâng cao hiểu biết và trở nên thân thiết hơn, thư viện còn là nơi diễn ra các hoạt động thiện nguyện. Anh Phan Hồng Sinh (50 tuổi, Cầu Diễn), Trưởng nhóm tình nguyện Vầng Trăng Nhỏ thường đặt một thùng lớn ở góc thư viện, nhờ bà Hà và các bà trong Chi hội NCT cụm 12 kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo cũ. Được một thời gian, anh Sinh lại đến thư viện cụm chở những bao tải lớn quần áo về, phân loại ủng hộ bà con vùng cao trong những chuyến tình nguyện của mình. Anh Sinh tâm sự: "Ngay khi biết đến thư viện của cụm 12, tôi đã nhờ các bác ở đây giúp đỡ. Mọi người trong cụm rất tốt, rất nhiệt tình. Họ không chỉ đến đây để đọc sách, ủng hộ sách mà còn ủng hộ rất nhiều quần áo cho bà con vùng cao. Tôi hy vọng sẽ có thật nhiều cụm dân cư học tập mô hình này của cụm dân cư 12, Thanh Xuân Trung".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.