Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 với mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Một trong các giải pháp của Đề án là tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế, trong đó, đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% thì tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp, cùng với giải pháp chung (như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, vận động tham gia, tăng cường tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế), kết hợp với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Cụ thể, với nhóm người lao động trong các doanh nghiệp, sẽ thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm; đồng thời xây dựng cơ chế thu đóng bảo hiểm y tế về thời gian (chu kỳ đóng), hình thức thu phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp...
Đối với người thuộc hộ cận nghèo, trình Chính phủ hỗ trợ 100% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại 62 huyện nghèo nhất trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các xã đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Chính phủ; người thuộc hộ gia đình đã thoát nghèo 5 năm đầu.
Còn đối với học sinh, sinh viên, nghiên cứu việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng.
Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, áp dụng với tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình và thực hiện giảm mức đóng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Cùng với việc tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, Đề án cũng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế ở cả hệ thống cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân.
Với các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố lớn, tiếp tục thực hiện đầu tư, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khoẻ và chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở thông qua thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện; tăng cường thực hiện xã hội hoá công tác y tế, đa dạng các hình thức tổ chức khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu và chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cao của nhân dân.
Nâng cấp, mở rộng và xây mới để tăng nhanh số giường bệnh cho các bệnh viện hiện đang quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và hai thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thuộc 5 nhóm chuyên khoa: Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng giường bệnh cho các bệnh viện nhận làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện thuộc nhóm chuyên khoa trên.
Bên cạnh đó, cần phải nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới cũng như đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Các giải pháp của Đề án này được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015. Sau năm 2015, mục tiêu và các giải pháp sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tổng kết quá trình triển khai Đề án giai đoạn 2012 - 2015 và thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.