Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu bài học từ sự hồi sinh dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Theo TTXVN| 27/04/2023 12:54

Sáng 27-4, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Thái Bình; lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Lê Mạnh Hùng, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200MW - là dự án có quy mô công suất lớn tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Dự án được khởi công đầu năm 2011, sau nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với phương châm hồi sinh từ khát vọng vượt lên chính mình, đến nay, hai tổ máy đã hoàn thành quá trình chạy thử nghiệm thu và đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 1 tỷ kWh.

Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia, với doanh thu khoảng 18.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 400 tỷ đồng/năm, sử dụng trực tiếp và gián tiếp trên 400 lao động tại địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, an ninh năng lượng, bảo đảm cung cấp điện là một trong những nhiệm vụ chính trị, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, với tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt xấp xỉ 77.800MW, cơ bản bảo đảm năng lượng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng cho biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm với quy mô lớn của ngành điện do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, được khởi công từ đầu năm 2011. Đã trải qua 12 năm đầu tư xây dựng với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, do nhiều nguyên nhân, có giai đoạn dự án phải dừng triển khai trong thời gian dài; dự án được sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân, nhất là nhân dân tỉnh Thái Bình, những người dân đã nhường đất, mặt bằng cho dự án để mong sớm hoàn thành dự án. Nhờ đó, sau 12 năm, dự án đã hồi sinh.

"Việc khánh thành dự án hôm nay thể hiện thành quả của ngày đêm không mệt mỏi, vượt mọi khó khăn của hàng nghìn cán bộ, công nhân viên, người lao động trên công trường, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành; sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, của tổng thầu và các nhà thầu cũng như sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh thái Bình", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan liên quan đã phối hợp xử lý, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo Thủ tướng, việc đưa Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực miền Bắc và cả nước; đóng góp hạ tầng quan trọng về năng lượng cho khu vực, cùng với đó giúp gia tăng giá trị sản xuất theo hướng công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tác động chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, có nguồn thu ngân sách lớn, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt đối với Thái Bình trước đây được biết đến với thế mạnh về nông nghiệp. Nhà máy là dự án thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn; góp phần tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Dự án đánh dấu sự trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, sự cố gắng vượt bậc và năng lực của chủ đầu tư, tổng thầu trong việc hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện đốt than có quy mô công suất lớn. Đặc biệt, khẳng định được sự đúng đắn, kịp thời về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cũng như việc xử lý các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thủ tướng, vượt qua bao khó khăn, dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án "Được người, được việc, được của, được tổ chức, được lòng dân". Quá trình triển khai và hồi sinh dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các dự án khác đang và sẽ triển khai của cả nước nói chung và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nói riêng.

Trước hết, phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết; nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tôn trọng khách quan, không đội vốn, không mất cán bộ, không lãng phí; dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nhất là trong lúc khó khăn.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; luôn đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược; nhất quán, xuyên suốt, kịp thời; không chủ quan, lơ là...; chủ động ứng phó linh hoạt với những diễn biến phát sinh; thực sự đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; tinh thần đổi mới, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường.

Trong tổ chức thực hiện phải đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, giải quyết nhanh chóng, kịp thời; tranh thủ sự ủng hộ của các cấp; nâng cao năng lực tổ chức, quản lý; công tác phối hợp; tổ chức triển khai khoa học, chuyên nghiệp...

Cùng với đó, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, không thoái thác; nâng cao chất lượng phối hợp công tác; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, huy động hiệu quả mọi nguồn lực đất nước; kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài; phát huy sức mạnh tổng hợp...

Thủ tướng yêu cầu, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa; đảm bảo Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả, góp phần bổ sung nguồn điện cho đất nước; quản lý, vận hành nhà máy theo quy chuẩn tiên tiến, chuyển đổi số, giảm chi phí, giảm giá thành điện; bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn, không để xảy ra sự cố do yếu tố chủ quan; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh; tiếp tục chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân trong vùng dự án.

* Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Khu công nghiệp Liên Hà Thái ở huyện Thái Thụy, do Công ty cổ phần Green I - Park làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái có tổng diện tích 588,84ha, là dự án trọng điểm và tiên phong của Khu kinh tế Thái Bình. Sau 2 năm kể từ ngày nhận chủ trương đầu tư, khu công nghiệp đã thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp, hầu hết là các dự án điện - điện tử với tổng vốn đầu tư 731 triệu USD, góp phần đưa tỉnh Thái Bình lần đầu tiên vào tốp 10 địa phương trên cả nước trong việc thu hút đầu tư.

Thăm các dự án đang đầu tư tại khu công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư và kêu gọi thêm các doanh nghiệp bạn đầu tư vào khu công nghiệp; các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp; tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội với phương châm "tất cả cùng thắng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sáu bài học từ sự hồi sinh dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.