Trong bối cảnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn, thị trường Halal với sức tiêu thụ 3.000 tỷ USD rất đáng kỳ vọng.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4-4, với chủ đề “Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường các sản phẩm Halal toàn cầu”.
Ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng, dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây.
Việt Nam cũng là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal.
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang đối mặt với khó khăn, thị trường Halal có thể trở thành thị trường mới tiềm năng thay thế cho các thị trường truyền thống.
“Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn”, ông Ramlan Bin Osman đánh giá.
Theo Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường, Malaysia đang nổi lên như một trong những thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, nơi có cộng đồng Hồi giáo chiếm hơn 60% dân số.
Tuy nhiên, theo ông Cường hàng Việt vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường này, với rào cản lớn nhất là chứng nhận Halal.
Đây là tiêu chí ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ nước sở tại. Việc chưa có chứng nhận Halal khiến nhiều sản phẩm Việt khó tìm được vị trí trong hệ thống bán lẻ tại Malaysia.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp khó khăn trong đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng như chi phí liên quan đến việc xin chứng nhận. Điều này dẫn đến số sản phẩm có chứng chỉ Halal của Việt Nam còn hạn chế.
Khó khăn còn ở sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Malaysia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… với sản phẩm phong phú, mẫu mã đa dạng, hệ thống phân phối rộng khắp và rất am hiểu thị trường tiêu dùng Hồi giáo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong nước với nhà nhập khẩu lớn…
Đại diện Thương vụ Malaysia khuyến nghị, doanh nghiệp cần xác định rõ chiến lược dài hạn, đầu tư nghiêm túc cho nghiên cứu thị trường, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với văn hóa bản địa, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua các kênh xúc tiến thương mại chuyên nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.