Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 62.015,2 tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15-3, tổng số vốn đầu tư đã phân bổ là 814.623 tỷ đồng, đạt 98,63% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao, bao gồm ngân sách trung ương là 324.740,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 489.882,9 tỷ đồng.
Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương các địa phương giao tăng, tổng số vốn đã phân bổ là 763.907,03 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong quá trình phân bổ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 141.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, 21/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 62.015,2 tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguyên nhân theo ngành, lĩnh vực, nhiều dự án khởi công mới chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn; dự án chờ điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; dự án chưa được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện.
Một số dự án ODA chưa ký kết hoặc chờ gia hạn vay nước ngoài; dự án gặp vướng mắc không có khả năng triển khai trong năm 2025, đề xuất kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn sau; dự án đã hoàn thiện thủ tục nhưng phải điều chỉnh do sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy…
Với vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan trung ương và địa phương chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; một số địa phương không còn nhu cầu sử dụng vốn; một số địa phương phân bổ đến các đơn vị trực thuộc hiện đang rà soát lại đối tượng và nội dung hỗ trợ, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục phân bổ khi đủ điều kiện theo quy định…
Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2025, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31-3 là 78.712 tỷ đồng, đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (đạt 12,27%).
13/47 bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt (trên 20%) như: Đài tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%), Bộ Công an (23,73%), Hội liên hiệp Phụ nữ (20,37%); tỉnh Phú Thọ (35,04), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%), Bình Định (20,25%).
Tuy nhiên, 17 bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân.
16 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương giải ngân rất thấp, dưới 5%, như: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội, tỉnh Bình Phước, Cà Mau, Quảng Ninh,…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.