(HNMO) - Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc sửa đổi pháp luật về thuế phải có khoản quy định rõ bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Thu ngân sách nhà nước vượt 71.000 tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, với nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng với quyết tâm của toàn ngành, ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017.
Đến hết 31-12-2017, thu cân đối NSNN ước đạt hơn 1.283 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, tăng hơn 43.000 tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP. Số vượt thu là của ngân sách địa phương (chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất). Do không bù trừ số vượt thu giữa các địa phương, nên không kể tiền sử dụng.
Cũng tính đến 31-12-2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; chi đầu tư phát triển nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán (năm 2016 tương ứng đạt 77% và 45,3% dự toán).
Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (hơn 174 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện). Trên cơ sở kết quả thu và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai và sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, cân đối ngân sách trung ương và các địa phương cơ bản được đảm bảo.
Trong 2 năm 2016-2017, trong tổng chi NSNN, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26-27% (tăng 1-2% so với giai đoạn 2011-2015), tỷ trọng chi thường xuyên đạt 64-65% (giảm khoảng 3%); tỷ lệ bội chi NSNN bình quân đạt 4,28% GDP (năm 2017 còn khoảng 3,5% GDP).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Các giải pháp huy động vốn và đa dạng hóa các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ tiếp tục được triển khai, trong đó tập trung phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Năm 2017 đã phát hành gần 160 nghìn tỷ đồng TPCP, kỳ hạn bình quân là 13,52 năm, tăng 4,81 năm so năm 2016; lãi suất bình quân khoảng 6,07%/năm, giảm 0,2%/năm so năm 2016. Kỳ hạn bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ cuối năm 2017 là 6,71 năm, cơ cấu dư nợ vay trong nước khoảng 60% tổng dư nợ Chính phủ, dư nợ nước ngoài khoảng 40%.
Việc quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát chặt chẽ bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương trong phạm vi Quốc hội cho phép được thực hiện. Ước tính đến 31-12-2017, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 51,6%GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh khoảng 9,1%GDP, nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 45% GDP, đảm bảo trong phạm vi giới hạn cho phép.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tính đến ngày 20-12-2017, có 47 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị gần 336 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn 2,27 nghìn tỷ đồng, thu về 4 nghìn tỷ đồng; SCIC đã thoái vốn tại 40 doanh nghiệp, thu về 21,6 nghìn tỷ đồng. Riêng việc thoái thành công 53,59% vốn cổ phần nhà nước tại Sabeco đã thu về gần 110.000 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương nỗ lực về những kết quả đạt được của ngành Tài chính.Thủ tướng cũng nêu một số hạn chế của ngành và yêu cầu khắc phục.
Phải bảo vệ quyền lợi người nộp thuế
Theo Thủ tướng, thời gian qua, chính sách thay đổi quá nhanh. “Chính sách thay đổi nhanh cho thấy việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội, thiếu phản biện, thiếu thực tế đời sống. Vì vậy, chính sách thuế nói riêng và tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế đất nước, phải ổn định tương đối dài từ 5 năm đến 10 năm”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, chính sách thuế vẫn tư duy theo hướng có lợi cho cơ quan nhà nước và chưa hướng đến bảo vệ người nộp thuế. Vì vậy, việc sửa đổi pháp luật về thuế phải có khoản quy định rõ bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công của nhà nước, từ đó chặn đứng nhóm lợi ích hưởng lợi từ tài sản công quốc gia, bởi công tác quản lý tài sản công còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí có nhóm “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ từ tài sản công.
Cơ chế quản lý hóa đơn giá trị gia tăng còn bất cập lớn trong quản lý thuế nói riêng và kinh tế nói chung, thế nên nhiều vụ mua bán hóa đơn bị phát hiện thời gian qua, làm méo mó môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh. Bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa hóa đơn điện tử vào hoạt động, thúc đẩy không dùng tiền mặt.
Hoạt động thanh, kiểm tra thuế hải quan còn tràn lan, gây khó cho doanh nghiệp. Tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn còn, một bộ phận cán bộ tài chính nhũng nhiều, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tài chính có biện pháp mạnh mẽ dẹp bỏ ngay tình trạng này. Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động phong trào Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn; đồng thời yêu cầu ngành Tài chính đưa ra thông điệp cán bộ ngành Tài chính nói không với phong bì, nói không với lợi ích từ doanh nghiệp...
Phát biểu tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hứa với Thủ tướng, ngành Tài chính sẽ kiên quyết chống tiêu cực, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan; ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan quán triệt, cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Để thực hiện nhiệm vụ năm 2018, báo cáo của Bộ Tài chính về triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách năm 2018 đã nêu ra 9 nhóm giải pháp với 29 giải pháp cụ thể.
Trong đó Bộ Tài chính nhấn mạnh việc điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xây dựng cơ chế chính sách tài chính, trình cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai quyết liệt, có hiệu quả Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Luật quản lý nợ công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.