Trước khi phát lệnh khởi công dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Cam Lộ - La Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất cả nước. Các khối tượng đài, phù điêu tại nghĩa trang thể hiện sự tôn vinh, niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đây là nơi quy tụ của trên một vạn phần mộ của các liệt sĩ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 nằm bên cạnh quốc lộ 9, trên một vùng đồi thuộc địa bàn phường 4, thị xã Ðông Hà, cách trung tâm thị xã gần 6km về phía Tây. Nghĩa trang được nâng cấp, xây dựng từ Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ðông Hà. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường 9 là một con đường chiến lược của địch nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục đường số 9, kẻ địch đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng, oanh liệt; đồng thời đó cũng là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và ngụy trong những năm 1965-1972.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của trên một vạn Anh hùng liệt sĩ với đầy đủ ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tới dâng hương, dâng hoa tại di tích Thành cổ Quảng Trị. Chuyến dâng hương đúng vào dịp Ngày giỗ chung (16-9 hằng năm) dành cho các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại địa danh lịch sử này.
Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Trị là địa bàn đặc biệt quan trọng, là nơi diễn ra những trận đánh dữ dội nhất mà điển hình là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ 28-6-1972 đến 16-9-1972). Cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây còn được xem như là thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, được viết tiếp bằng chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.
Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên mảnh đất thành cổ miền Trung. Máu của các anh đã hòa vào lòng đất, để góp phần mang lại độc lập, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Địa danh lịch sử này cũng là bến nằm vĩnh cửu của hàng ngàn thanh niên mà phần lớn là con em miền Bắc xếp bút nghiên lên đường vào Nam theo lệnh tổng động viên vì sự nghiệp kháng chiến. Ngày 16-9-1972 là ngày kết thúc 81 ngày đêm quyết tử vì mảnh đất này và cũng được lấy là Ngày giỗ tập thể dành cho các Anh hùng liệt sĩ nằm lại nơi đây.
Trong khuôn viên hướng vào Đài tưởng niệm, khách hành hương còn được chiêm ngưỡng những câu thơ bi tráng của cựu chiến binh Phạm Đình Lân trong một lần trở lại thăm đồng đội trên chiến trường xưa, được tạc trên một hòn đá lớn: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ? Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng…”.
Cùng với dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị được coi là hai nghĩa trang không bia mộ của miền đất khói lửa Quảng Trị - khúc ruột miền Trung, điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng giang sơn hứng chịu biết bao nỗi mất mát, đau thương và chia cắt góp phần tạo nên thắng lợi to lớn của quân và dân ta.
Trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác xúc động dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.