Sáng 14-4 (tức ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch), Huyện ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Phúc Thọ long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 1981 năm ngày giỗ Hai Bà Trưng (43-2024).
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo. Sử sách còn ghi, năm 40 (sau Công nguyên), Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị sau khi hoàn tất công việc chuẩn bị đã quyết định chọn cửa sông Hát (nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) làm nơi hội quân, lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận. Dòng sông Hát linh thiêng cũng được Hai Bà chọn làm nơi tuẫn tiết để về cõi vĩnh hằng. Đó là minh chứng khẳng định, trong suốt tiến trình của cuộc khởi nghĩa, Phúc Thọ vinh dự và tự hào là quê hương gắn liền với tên tuổi, chiến công của Hai Bà.
Cảm sâu công đức Hai Bà, bao đời nay, các thế hệ người dân Phúc Thọ đã lập đền thờ, tu bổ ngôi đền Hát Môn khang trang; luôn trao truyền, phát huy những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp để bày tỏ tấm lòng thành kính thiêng liêng.
Tại buổi lễ, xã Hát Môn đã tổ chức rước bánh trôi dâng Hai Bà. Tương truyền, khi bị quân gặc truy đuổi, Hai Bà Trưng dừng chân ở một quán nhỏ ven đường, được bà quán nước mách bảo phía trước là sông sâu, vận trời khó đoán, mong Hai Bà bảo trọng. Sau khi ăn bánh trôi, biết trước được vận trời, để bảo toàn khí tiết, Hai Bà đã sai quân mang chôn cất ấn tín, cùng đoàn quân gieo mình xuống dòng sông Hát (nay là sông Đáy). Và cũng từ đó, để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà, hằng năm, nhân dân xã Hát Môn làm bánh trôi dâng cúng vào ngày giỗ (6 tháng Ba âm lịch).
Lễ rước bánh trôi là nghi lễ hết sức quan trọng và đặc trưng nhất của lễ hội truyền thống đền Hát Môn. Những đĩa bánh trôi dâng lên Hai Bà được làm theo quy trình nghiêm ngặt. Gia đình được chọn làm bánh trôi cũng phải là những gia đình hoà thuận, không tang chế và đáp ứng nhiều yêu cầu khác.
Người Hát Môn hiện vẫn duy trì tục lệ đặc biệt từ hàng ngàn năm là trước khi dâng bánh trôi lên Hai Bà vào ngày giỗ (6 tháng Ba âm lịch), thì nhân dân xã Hát Môn dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng đều không ăn bánh trôi. Tục lệ đó được truyền từ đời này sang đời khác như một nét văn hoá đặc sắc của người dân địa phương, thể hiện sự tôn kính đối với Hai Bà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.