(HNMO) - Sáng 19/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) và giải quyết nợ xấu BĐS.
Cùng đi với Thủ tướng có các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, và doanh nghiệp,…
Về phía lãnh đạo Hà Nội có Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh cùng nhiều lãnh đạo của các sở, ban, ngành...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Về vấn đề nợ xấu và các tồn tại trong lĩnh vực BĐS của Hà Nội, báo cáo của UBND TP đã đưa ra những con số như: Nợ xấu BĐS tại Hà Nội tuy không nhiều, nhưng cũng chiếm khoảng 13% tổng dư nợ xấu của ngân hàng; tình trạng cung vượt nhiều so với cầu trong phân khúc nhà ở thương mại. Đến nay TP Hà Nội còn tồn kho (chưa bán, hoặc huy động vốn) 5.789 căn chung cư nhà ở thương mại, tương đương 566.610 m2; 3.483 căn nhà ở thấp tầng (tương đương hơn 874 ngàn m2) và gần 330 căn hộ nhà thu nhập thấp. Trong khi đó có khoảng 114.500 cán bộ CNV vẫn còn có nhu cầu cần nhà ở. Động thái siết chặt tín dụng của ngân hàng đã khiến thị trường thiếu vốn đầu tư, các dự án bị chậm tiến độ, thanh khỏan giảm sút, nợ xấu gia tăng. Thị trường BĐS "tăng nóng" thời gian qua cho thấy không ít quyết định, chính sách quản lý chưa ban hành kịp thời...
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do trước đó thị trường tăng trưởng quá nóng vì đầu cơ, kinh tế suy thóai dẫn tới sức mua giảm sút, tạo nên sự mất cân đối trên thị trường nhà ở; Quản lý nhà nước về TTBĐS kém hiệu quả, vai trò điều tiết thị trường còn mờ nhạt. Ngoài ra, chính sách tài chính, tín dụng cho thị trường BĐS vẫn chưa hoàn chỉnh, việc GPMB còn nhiều bất cập, vướng mắc, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển của thị trường...
Chủ trương của Hà Nội là sẽ cắt giảm, hạn chế nguồn cung, kích thích và hỗ trợ cầu, điều chỉnh cơ cấu cung - cầu cho phù hợp, đồng thời sẽ tăng cường vai trò điều tiết của quản lý nhà nước với thị trường. Cụ thể: Sẽ rà soát, điều chỉnh các dự án, giảm cơ cấu nhà ở thương mại, tăng phân khúc nhà ở xã hội; dùng các biện pháp kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay và quỹ nhà thu nhập thấp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là vấn đề giải quyết nợ xấu BĐS và quỹ nhà tồn đọng; xem xét khoanh nợ xấu, cơ cấu lại các khỏan nợ cũ, đang pahỉ chịu lãi suất cao, chuyển sang lãi suất thấp hơn ở mức hiện nay. Tiếp tục giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất và chủ đầu tư phải có trách nhiệm tính toán để cắt bớt lãi, giảm giá bán, chia sẻ với khách hàng để thị trường BĐS ở Hà Nội ấm dần lên; Đẩy mạnh CCHC trong quy hoạch, đầu tư, XD và sử dụng đất...
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua thị trường BĐS phát triển tăng nóng thiếu sự điều tiết. Nguồn cung BĐS vượt quá cầu, gây mất cân đối về khả năng thanh toán, khiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng "đóng băng" kéo dài. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định, đây cũng là cơ hội để tạo điều kiện cho việc giải quyết chính sách nhà ở xã hội cho những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Nhà nước cần can thiệp vào thị trường BĐS, giảm bớt nhà ở thương mại, tăng cường phát triển nhà ở xã hội (đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, CBCNV, sinh viên, chiến sĩ, lực lượng vũ trang), hạ giá nhà đất xuống mức hợp lý. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng với 350/493 dự án BĐS của Hà Nội (tưong đương 19.454 ha) hiện vẫn được tiếp tục triển khai là con số còn khá lớn so với cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng...
Trong phần kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những thành tích của Hà Nội trong việc phấn đấu hòan thành một số chỉ tiêu, góp phần cùng cả nước chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Về vấn đề nợ xấu và hàng tồn kho trong lĩnh vực BĐS, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Hà Nội cần tập trung tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp đồng bộ. Đặc biệt cần tăng nhanh quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp; tăng cường quản lý nhà nước về BĐS, ra sóat, quy hoạch lại các dự án theo hướng giảm tỷ lệ nhà ở thương mại, chung cư cao cấp. Bên cạnh đó, cần có chính sách tạo điều kiện cho chủ đầu tư XD nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu nhà ở có thể mua nhà giá thấp, hoặc thuê nhà, hay thuê, mua nhà. Trước mắt, Hà Nội xem xét, có thể tạm ứng 2000 tỷ để tạo ra quỹ nhà tái định cư cho người dân trong các dự án cần GPMB, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong điều hành thị trường BĐS, giảm phiền hà cho các tổ chức và người dân; Ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà nhằm kích cầu đối với việc mua nhà ở xã hội... Chính phủ luôn sẵn sàng hộ trợ các doanh nghiệp BĐS thông qua các chính sách vĩ mô...
Thay mặt Thành ủy, UBND TP Hà Nội Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc đề ra các giải pháp, giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho thị trường BĐS. Trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất của UBND TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ nên sớm ban hành những nghị quyết, chính sách giúp Hà Nội vực dậy thị trường BĐS và giải quyết nợ xấu BĐS.
Đề xuất gói kích cầu từ 20 đến 40 ngàn tỷ đồng cho thị trường BĐS Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tính tới việc trình Chính phủ gói kích cầu (khoảng từ 20 đến 40 ngàn tỷ đồng) cho thị trường BĐS Việt Nam với lãi suất hợp lý, thủ tục vay nhanh gọn và kéo dài thời gian vay nhằm kích cầu mua nhà. Tuy nhiên, gói kích cầu này sẽ chủ yếu nhằm vào phân khúc nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội, đồng thời giúp những người thu nhập thấp (CBCNV, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang...) có nhu cầu về nhà ở tiếp cận được với đồng vốn và quỹ nhà ở xã hội. Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình còn đề nghị cần thành lập ngay một đơn vị xử lý tài sản nhằm tăng cường giải quyết nợ xấu BĐS, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng xử lý hàng tồn kho, trả nợ cho ngân hàng, đồng thời tạo một bước chuyển biến có hiệu quả cho thị trường BĐS vốn đang bị "đóng băng" hiện nay. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.