Bất động sản

Sức hút của thị trường bất động sản Hà Nội: Cú hích từ tiện ích giao thông, hạ tầng

Khánh An 01/06/2024 - 06:51

Sau những diễn biến sôi động trong quý đầu năm, thị trường bất động sản Hà Nội tiếp tục ghi nhận nhiều giao dịch ở một số khu vực có nguồn cung lớn. Đây cũng là những quận, huyện đã và đang được triển khai nhiều dự án, công trình mang lại tiện ích về giao thông, hạ tầng xã hội, kéo theo giá đất tăng cao.

do-thi.jpg
Các tòa nhà chung cư tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Thế mạnh khu vực “đón sóng” hạ tầng

Trong tổng số 22.000 giao dịch bất động sản được thống kê trong quý I-2024 tại Hà Nội, có tới 90% là giao dịch chung cư và thổ cư. Về địa bàn, phía Tây Hà Nội, gồm khu vực Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Vân Canh (huyện Hoài Đức), Dương Nội (quận Hà Đông), Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm)... chiếm 57% các giao dịch trong quý, với 11.400 giao dịch. Dự báo, với nguồn cung nhà ở lớn, trong các quý tiếp theo, đây tiếp tục là khu vực có giao dịch sôi động.

Không chỉ với nhà chung cư và bất động sản có giá trị dưới 5 tỷ đồng, sản phẩm biệt thự, nhà liền kề cũng được kỳ vọng tăng số lượng giao dịch, nhất là với những dự án đã hoàn thiện hạ tầng, giao thông thuận lợi và kèm theo nhiều tiện ích hiện đại.

Thực tế cho thấy, có hàng loạt tín hiệu tích cực về hạ tầng thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô. Đơn cử như tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài nối hai quận Nam Từ Liêm và Hà Đông dự kiến thông xe dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10) sắp tới; tuyến đường Vành đai 3,5 đang gấp rút triển khai và Công viên Thiên văn học quận Hà Đông vừa đưa vào khai thác…

Phân tích dưới góc độ chuyên gia, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội Nguyễn Hoài An nhìn nhận, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ 10 đến 15 năm trở lại đây và hiện chưa có dấu hiệu chững lại. Ngoài các tòa nhà văn phòng, tòa nhà chung cư hỗn hợp, khu nhà ở thấp tầng hiện hữu, nhiều dự án bất động sản đang tiếp tục hình thành ở các quỹ đất còn lại. Với mạng lưới hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đây là khu vực còn nhiều tiềm năng phát triển trong 3-5 năm tới.

Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn - Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng cũng cho biết, 3 năm trở lại đây, các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy luôn dẫn đầu thị trường về nguồn cung. Đây cũng là khu vực có nguồn cung văn phòng lớn nhất Thủ đô, với 50% thị phần, tương đương 873.700m2. Do đó, khu vực này vẫn là tâm điểm phát triển của thành phố, trong đó tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan để giảm áp lực về dân cư và lưu lượng đi lại.

Sức cạnh tranh không thua kém

Nếu nhờ thế mạnh “đi trước, đón đầu”, khu vực phía Tây Hà Nội có hạ tầng đô thị, giao thông phát triển, phù hợp với phân khúc khách hàng cần nhà ở ngay, thì thị trường phía Đông được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng cho nhà đầu tư. Nhiều dự án trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm có giá bán căn hộ hấp dẫn hơn những nơi khác.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính phân tích, trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường bất động sản khu vực phía Đông đã phát triển mạnh mẽ, được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội. Các dự án đại đô thị chú trọng cảnh quan, môi trường sống gắn liền với tiện ích của cư dân, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, đáp ứng xu hướng giãn dân ở khu vực nội đô. Sở hữu nhiều lợi thế về quỹ đất lớn, đặc biệt khi huyện Gia Lâm chính thức lên quận, khu vực phía Đông được coi là “tọa độ” mới của thị trường bất động sản Thủ đô trong tương lai.

Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng nhận định, đại đô thị phía Đông Thủ đô có khả năng kéo nguồn cầu do nơi đây còn nhiều dự án đang xây dựng... Thời gian tới, nguồn cung mới tại khu vực phía Đông sẽ chiếm 40% thị phần căn hộ. Ngoài ra, khu vực này được đánh giá cao bởi giá cả vẫn ở mức hợp lý so với phía Tây. Theo ghi nhận của Savills trong 6 tháng đầu năm 2023, giá sơ cấp căn hộ tại khu vực phía Tây khoảng 58 triệu đồng/m2, trong khi khu vực phía Đông khoảng 48 triệu đồng/m2. Đối với sản phẩm thấp tầng, giá sơ cấp tại khu vực phía Tây khoảng 157-225 triệu đồng/m2, còn tại khu vực phía Đông là 158-168 triệu đồng/m2.

So sánh tiềm năng giữa các khu vực trong tương lai, các chuyên gia bất động sản cũng đánh giá cao một số vị trí khác. Đặc biệt, khu vực phía Bắc hưởng lợi từ hệ thống đường Vành đai 2, 3 cùng các cầu Nhật Tân, Thăng Long và sắp tới là cầu Tứ Liên... cũng sẽ tập trung nhiều khu đô thị lớn theo định hướng quy hoạch của Thủ đô.

Theo Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh, khu vực phía Bắc với các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn được kỳ vọng có nhiều tiềm năng. Kết quả khảo sát các đối tượng liên quan của Batdongsan.com.vn mới đây cho thấy, có 31,7% cho rằng, địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh ở phía Bắc sẽ là nơi đón sóng bất động sản với sự tăng trưởng nguồn cung, giao dịch.

Đặc biệt, khi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hoàn thành sẽ mở ra nhiều hướng kết nối nhanh chóng giữa Hà Nội và các khu vực vùng ven, tạo tiền đề giúp thị trường bất động sản nơi đây phát triển mạnh mẽ. Đón đầu tiềm năng phát triển, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng đã lựa chọn khu vực này để triển khai các dự án nhà ở, khu đô thị, nhằm nâng cao chuẩn sống của cư dân khu vực. Sự dịch chuyển, tìm kiếm vùng đất tiềm năng của các chủ đầu tư uy tín vừa đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân, vừa đón sóng đầu tư tăng trưởng bất động sản trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức hút của thị trường bất động sản Hà Nội: Cú hích từ tiện ích giao thông, hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.