Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng đặt đầu bài với Tổ tư vấn kinh tế về cơ chế thúc đẩy huy động nguồn lực trong dân

TTXVN| 24/08/2018 06:19

Chiều 23-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn chủ động phân tích, thấy được những khó khăn bên trong và bên ngoài, từ đó góp ý về các cơ chế chính sách để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tổ tư vấn đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát 37 vướng mắc phổ biến đối với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án đầu tư trong 9 luật và văn bản dưới luật. Tổ tư vấn đã đóng góp nhiều ý kiến đối với các vấn đề kinh tế “nóng" mới nổi lên như biến động thị trường chứng khoán, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…

Tổ tư vấn đã đưa ra báo cáo nhận định về kết quả thực hiện chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo Tổ tư vấn, mô hình tăng trưởng bước đầu có chuyển biến theo hướng tích cực. Tốc độ tăng năng suất lao động cao hơn, đạt xấp xỉ 6% năm 2017 so với bình quân 4,6% giai đoạn 2012-2015. Tính toán của Tổ tư vấn cho thấy, tốc độ tăng năng suất lao động trong những năm tới phải đạt tốc độ cao hơn mới tạo được tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Để tăng trưởng đạt bình quân 6,85% trong ba năm 2018-2020 và mức 7-7,5% bình quân giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng năng suất đến năm 2020 cần đạt 6,3% và tiến tới phải đạt 6,8%.

Nhìn nhận về một năm hoạt động vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tổ tư vấn với các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, là một kênh thông tin hữu hiệu giúp cho Thủ tướng trong việc định hình chính sách. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như khuyến nghị cơ chế chính sách cụ thể của Tổ tư vấn còn hạn chế, chưa huy động nhiều nguồn lực của các nhà khoa học khác tham gia…

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cần có những tư vấn về chiến lược phát triển, nhất là các động lực mới, các nhân tố mới, các dư địa cần tập trung để phát triển. Tổ tư vấn cần góp ý cả chính sách ngắn hạn, trung và dài hạn, những đột phá để tăng nhanh tự cường kinh tế quốc gia, năng suất lao động, làm chủ công nghệ; những vấn đề lớn khác như nghiên cứu cơ chế liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là vấn đề góp vốn đất đai. Thủ tướng đặt đầu bài với Tổ tư vấn về cơ chế thúc đẩy huy động nguồn lực trong dân, xã hội hóa, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)…

Đánh giá cao báo cáo của Tổ tư vấn về chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, hai năm qua, chương trình này đã đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến rõ nét hơn và đề nghị các thành viên Tổ tư vấn góp phần thông tin rõ hơn, đầy đủ hơn về kết quả tích cực trên các mặt của đất nước, góp phần tạo không khí phấn khởi, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong làm ăn kinh doanh. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần thẳng thắn nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế còn có mặt hạn chế, bất cập như nhiều ngành, lĩnh vực chuyển dịch còn chậm, chưa thực hiện được một số mục tiêu, yêu cầu đề ra…

Ghi nhận góp ý của Tổ tư vấn về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để không có cú sốc xảy ra với nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế với các biện pháp kịp thời hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của Tổ tư vấn về các giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn để vượt qua các khó khăn, thách thức hiện nay của kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng đặt đầu bài với Tổ tư vấn kinh tế về cơ chế thúc đẩy huy động nguồn lực trong dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.