(HNMO)- Sáng 22/3, tại kỳ họp thứ 11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016, chỉ rõ những kết quả đạt được và cả những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng |
Báo cáo đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý phát triển kinh tế-xã hội. Báo cáo nêu bật: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững; tăng cường lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ.
Trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 1.000 câu hỏi chất vấn trực tiếp và trên 1.500 phiếu chất vấn của ĐBQH; khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri. Thủ tướng Chính phủ thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Báo cáo cũng dành nhiều thời lượng để chỉ ra những hạn chế, yếu kém của Chính phủ, thủ tướng chính phủ trong 8 lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Do năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.
Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm.
Một số chính sách xã hội thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao, nhất là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, sinh viên mới tốt nghiệp; giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động. Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; phát triển y tế ngoài công lập, công nghiệp dược; quản lý y tế tư nhân, thuốc chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế, bất cập.
Việc lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều hạn chế. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi...
Nguyên nhân chủ yếu cho những hạn chế, yếu kém được chỉ ra do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...
Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội có mặt chưa phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế, nhất là năng lực xây dựng và thực thi thể chế pháp luật, cơ chế chính sách.
Cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ khi để nợ công tăng nhanh.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đề nghị đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nước ngoài đóng góp tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; vấn đề nợ công; nguyên nhân và trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành để tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp; vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả...
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Báo cáo thẩm tra cũng nêu cần làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân chậm được khắc phục; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước chưa đồng bộ, thống nhất và thực sự thông suốt, bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới…
Trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như thuế, hải quan; quản lý chi tiêu công, giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…
Tuy nhiên, Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục.
Do đó, báo cáo cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.