(HNMO) - Chiều 8-11, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục. Tại cuộc họp, các đại biểu nhấn mạnh 3 vấn đề, đó là tiêm vắc xin cho học sinh, thực hiện "5K" trong lớp (chủ yếu là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách) và xử lý thế nào khi trong trường, lớp có F0?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cần thống nhất an toàn thì mới đi học, khi đã đi học, phải bảo đảm an toàn.
62% cán bộ, giáo viên được tiêm đủ liều vắc xin
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đã có 28 tỉnh, thành phố đang tổ chức cho học sinh học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh; 35 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện đang học trực tuyến, học trên truyền hình. Số học sinh đang học trực tuyến là khoảng 6.739.020 (trong đó cấp tiểu học chiếm 42,5%; trung học cơ sở 74,3%; trung học phổ thông 55,2%...). Nhiều địa phương đã có kế hoạch mở cửa trở lại tại các quận, huyện vùng xanh từ ngày 15-11.
Cùng với đó, các địa phương đã tăng cường tổ chức tiêm vắc xin phòng dịch cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục. Một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ninh Bình... cũng đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở một số địa phương. Do đó, một số tỉnh, thành phố có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch. Thậm chí, một số trường học phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học (như ở các tỉnh: Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh...).
Cùng với đó, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%).
Còn tại các tỉnh phía Nam, điều kiện cơ sở vật chất ở một số nơi chưa bảo đảm an toàn để đón học sinh tới trường. Trước đó, nhiều cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi thu dung, điều trị, cách ly chưa được bàn giao cho ngành Giáo dục để sửa chữa, vệ sinh, bảo đảm các điều kiện an toàn cho học sinh đi học trở lại...
"Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp bảo đảm giãn cách trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường... Hơn nữa, một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục", Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Nho Huy cho biết thêm.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và bảo đảm chăm sóc sức khỏe học sinh trong các nhà trường, theo ông Nguyễn Nho Huy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn lực cho công tác y tế trường học; bảo đảm mỗi cơ sở giáo dục có đầu mối y tế trường học thường trực để triển khai các nhiệm vụ phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch, tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh. Đồng thời, rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí, quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các trường học, ký túc xá; bổ sung hướng dẫn tại Sổ tay phòng, chống Covid-19 trong trường học.
Từng trường phải có kế hoạch phòng dịch cụ thể
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh 3 vấn đề chủ yếu được đưa ra bàn luận tại cuộc họp, đó là tiêm vắc xin cho học sinh, thực hiện "5K" trong lớp (chủ yếu là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách) và xử lý thế nào khi trong trường, lớp có F0.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nước ta đang trải qua đợt dịch thứ tư ảnh hưởng rất sâu rộng, toàn diện đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và y tế. Nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước cho thấy, tình hình dịch trong năm 2021 và 2022 vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể kết thúc. Hiện chưa dự báo thời gian tới có xuất hiện biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 hay không. Các nước trên thế giới cũng đã thay đổi biện pháp phòng, chống dịch từ không có ca bệnh sang thích ứng sống chung với Covid-19, trong đó, vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ vào tình hình thế giới và trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, cần thống nhất an toàn thì mới đi học và đã đi học phải an toàn. Từ đó, Thứ trưởng đề nghị, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải phối hợp rà soát, yêu cầu tất cả trường học các cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch hiện nay để thích ứng an toàn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Mỗi trường học phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, trong đó, hiệu trưởng phải làm trưởng ban chỉ đạo.
Một vấn đề cũng được Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đưa ra tại cuộc họp, đó là chống dịch tại Hà Nội khác với Hà Giang, phòng dịch ở trường bán trú cũng khác với nội trú. Do đó, tùy từng loại hình để có kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể.
Đề cập vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay vắc xin về có hạn, về từng đợt nên phải tính toán ưu tiên đối tượng nào tiêm trước, tiêm sau. Cùng với đó, các địa phương phải tập trung thống kê, rà soát tất cả trẻ em, không để bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh thấy được lợi ích của việc tiêm vắc xin, đồng tình đưa trẻ em đi tiêm để tăng độ bao phủ vắc xin.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.