Ngày 29-11, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có Công văn hoả tốc số 1937/KCB-NV về việc tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành.
Theo đó, trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Đơn cử như tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã công bố dịch sởi trên địa bàn (theo Quyết định số 3547/QĐ-UBND ngày 27-8-2024 của UBND thành phố Hồ Chí Minh), số người bệnh sởi đến khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh tăng nhanh, nhất là tại các bệnh viện chuyên khoa như bệnh viện Nhi, bệnh viện Sản-Nhi, bệnh viện Bệnh truyền nhiễm/bệnh nhiệt đới…
Thực hiện Công điện số 116/TTg ngày 14-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác truyền thông, khám, phân loại, thu dung, điều trị và kiểm soát lây nhiễm sởi trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người bệnh, người nhà, nhân viên… về phòng, chống bệnh sởi.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức phân luồng người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh. Bố trí khu khám riêng cho người bệnh sởi hoặc người nghi mắc sởi. Đồng thời, tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành.
Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh.
“Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt việc phân loại, thu dung, cách ly, điều trị theo quy định nhằm hạn chế lây lan, tử vong; đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa công tác khám chữa bệnh và công tác dự phòng”, Cục Quản lý khám, chữa bệnh nêu rõ.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kết nối điểm cầu của các tỉnh, thành phố trên cả nước do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-11, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 20.469 trường hợp nghi sởi, trong đó có 4.918 trường hợp dương tính với bệnh sởi và 5 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm: 3 ca tại thành phố Hồ Chí Minh, 1 ca tại Bến Tre và 1 ca tại Bình Dương). So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần và số ca dương tính với sởi cao hơn 111 lần.
Một số địa phương có số ca nghi sởi và sởi dương tính cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, các địa phương chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát. Đồng thời, thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến và thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.