(HNM) - Thăm các trang trại chăn nuôi (TTCN) lớn trên địa bàn huyện Chương Mỹ, mới thấy một lớp nông dân thời @ đang hình thành.
Huyện Chương Mỹ lâu nay được ví là "thủ phủ" chăn nuôi lớn của Hà Nội với 571 TTCN với trên 400 TTCN gia cầm, ngoài khu dân cư, quy mô từ 10.000-20.000 con… Tổng đàn gia cầm của huyện đạt 2,64 triệu con, trong đó có 800.000 con gà đẻ trứng thương phẩm… với các loại giống gà đẻ siêu trứng chiếm 1/3 trong tổng đàn gia cầm, còn lại là gà siêu thịt, vịt siêu thịt Super, vịt siêu trứng cho giá trị kinh tế cao. Tương tự, đàn lợn trên 120.000 con, chủ yếu là nái lai và nái ngoại, chất lượng giống tốt, tỉ lệ nạc cao. Người chăn nuôi ở Chương Mỹ đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thức ăn, giống, chuồng trại, trình độ thâm canh cao... nên chống chọi được với dịch bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập từ ngành chăn nuôi đã đạt 400-600 tỷ đồng/năm.
Các trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện Chương Mỹ được đầu tư quy mô khép kín. Ảnh: Sơn Tùng |
Nằm chơi vơi giữa bốn bề mênh mông là lúa, TTCN gần 3ha của chị Đặng Thị Thu Thủy (xã Tiên Phương) khiến người ta ngỡ ngàng về quy mô hơn 300 lợn nái, hàng nghìn lợn thịt, trên 20 nghìn gia cầm, trên 10 tấn cá quả… Các khu chăn nuôi đều được đầu tư khép kín khá quy củ. Chị Thủy cho biết: Để đầu tư TT này, chị thuê lại ruộng trũng, bỏ hoang của hơn 30 hộ dân. Những ngày đầu xây dựng TT gian nan lắm, giao thông nội đồng khó khăn, đường đất hẹp lầy lội, đầy ổ trâu, ổ gà, xe chở hàng hóa khó ra vào. Chị đã cùng các hộ chăn nuôi khác trên cùng xứ đồng đóng góp, nhà nhiều lên tới vài chục triệu đồng để nâng cấp rải đá cấp phối. Nay đường vào tuy chưa thực sự to đẹp nhưng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, chuyên chở hàng hóa. Để có được cơ ngơi chăn nuôi như hiện nay, chị Thủy đã phải đầu tư trên 30 tỷ đồng. Nhìn lại chặng đường 5 năm bám trụ với nghề chăn nuôi, chị Thủy cho biết thêm: Trong muôn vàn khó khăn và thách thức, chúng tôi đều nhận được sự chia sẻ của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, từ công tác phòng trừ dịch bệnh đến việc nâng cấp, cải tạo con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn, hiệu quả…
Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nguyễn Thị Ngữ nhận định: Nhiều năm nay, người chăn nuôi ở đây tạm yên tâm về nguy cơ dịch bệnh là do huyện đã làm tốt công tác quy hoạch, đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư. Xứ đồng nào xa nhất, xấu nhất, cấy lúa bấp bênh sẽ được quy hoạch thành khu chăn nuôi. Nếu như trước đây mô hình chăn nuôi tập trung chỉ là gom nhiều hộ lại thì nay đã thay đổi. Các TT phải có không gian chăn nuôi riêng, TT nọ cách TT kia bằng khoảng không về cây xanh, mặt nước… để trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện, khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng hiệu quả.
Trong cái nắng oi nồng đầu hạ, tham quan các mô hình TTCN trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm cho biết: Với mục tiêu đưa giá trị ngành chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 60% trở lên đến năm 2015; phát triển đàn gia cầm 3,5 triệu con, đàn trâu bò ổn định 15.000 con, đàn lợn 140.000 con, huyện đặt ra giải pháp tháo gỡ khó khăn và kích thích ngành chăn nuôi phát triển, mỗi xã, thị trấn quy hoạch 1-2 khu chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, nâng cao giá trị thu nhập và hiệu quả sử dụng nông nghiệp tại địa phương với diện tích mỗi khu 5-30ha, phấn đấu đến năm 2020 không còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đánh giá, huyện Chương Mỹ là một cửa ngõ lớn vào nội ô, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững... cần được đặt lên hàng đầu. Là cửa ngõ từ tây bắc với nhiều khu công nghiệp, trường học, cơ quan đơn vị... huyện Chương Mỹ là khu vực tiềm năng cho phát triển chăn nuôi Hà Nội. Trong thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch chung của TP, huyện cần tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa đi đôi với hỗ trợ đưa chăn nuôi ra xa khu dân, đầu tư KHCN, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tạo liên kết trong chăn nuôi, xây dựng, mở rộng nhiều mô hình chuỗi chăn nuôi an toàn hiệu quả. Hiện thành phố có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở giống cây trồng vật nuôi, do đó, huyện cần tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để người dân tiếp cận được với chính sách ưu đãi của TP. Trong bối cảnh khó khăn chung, ngành chăn nuôi của huyện vẫn gia tăng về quy mô, chất lượng, đây là kết quả của sự nỗ lực, sức vươn lên bền bỉ của nông dân trong huyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.